Anh công bố 46 lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga
Anh đã công bố bổ sung 46 biện pháp nhằm vào 31 cá nhân và tổ chức từ nhiều quốc gia khác nhau mà London cho rằng có liên quan đến chuỗi cung ứng quân sự của Nga cũng như hỗ trợ Mátxcơva trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo AP, tối 6-12 (giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Anh cho biết, các thực thể mới nhất bị trừng phạt bao gồm các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Uzbekistan.
Trong khi đó, Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh đã đưa ra cảnh báo tới các tổ chức tài chính và các thành viên khác trong khu vực do nước này quản lý rằng, Nga đang cố gắng mua hàng hóa bị Anh trừng phạt thông qua các nước trung gian, sử dụng chuỗi cung ứng phức tạp và các tuyến cung ứng thay thế để có được các sản phẩm theo nhu cầu.
Các cá nhân và tổ chức nói trên có liên quan tới việc thiết kế, sản xuất máy bay không người lái, các bộ phận tên lửa và nhập khẩu linh kiện điện tử. 4 tổ chức có trụ sở tại UAE có liên quan đến việc buôn bán dầu của Nga và những tổ chức khác có liên quan đến nhóm lính đánh thuê Wagner.
Danh sách trừng phạt cũng bao gồm một tổ chức quốc phòng của Belarus, đã sản xuất công nghệ quân sự được Minsk sử dụng để hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.
Đại sứ quán Trung Quốc tại London đã lên án động thái của Anh và cho biết sẽ phản đối bất cứ điều gì làm suy yếu lợi ích của Bắc Kinh. Đại sứ quán Trung Quốc cũng kêu gọi Chính phủ Anh ngay lập tức dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn và hiệu quả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nước này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã tới Mỹ trong chuyến thăm đầu tiên kể từ khi ông quay lại nội các. Chuyến đi nhằm khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Anh - Mỹ, đồng thời thể hiện cam kết của Anh trong việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến sẽ thông báo lệnh cấm nhằm vào mặt hàng kim cương của Nga và các biện pháp nhằm xử lý khoảng 300 tỷ euro tài sản cố định của ngân hàng trung ương Nga cũng như việc thắt chặt thực hiện áp giá trần đối với dầu mỏ Nga. Lệnh cấm trực tiếp sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2024, lệnh cấm gián tiếp sẽ triển khai theo từng giai đoạn từ 1-3 đến 1-9-2024.
Theo thống kê của tổ chức theo dõi thị trường kim cương Kimberley Process, sản lượng kim cương thô của Nga năm 2022 đạt 41,9 triệu carat, đạt giá trị 3,5 tỷ USD, tăng lần lượt 7% về sản lượng và 34% về giá trị. Tuy nhiên, xuất khẩu kim cương của nước này giảm còn 36,7 triệu carat, sụt đến 24%.