Các hãng bay “gồng mình” vượt khó
Giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ liên tục biến động, cộng với những hậu quả nặng nề sau giai đoạn dịch Covid-19 kéo dài khiến các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn.
Thu không đủ bù chi và chưa thể “cất cánh” như kỳ vọng, các hãng hàng không đang phải "gồng mình" vượt khó...
Đau đầu với... đầu vào
Các yếu tố chi phí đầu vào, đặc biệt là giá nhiên liệu và tỷ giá liên tục biến động theo hướng tăng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh của các hãng hàng không. Năm 2023, dù doanh thu có chút khởi sắc nhưng các hãng hàng không vẫn đang đau đầu với những khoản lỗ do hậu quả của đại dịch Covid-19.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, chi phí nhiên liệu hàng không chiếm khoảng 36% chi phí vận chuyển. Do đó, biến động nhiên liệu làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của hãng. Năm 2023, giá nhiên liệu bay được xây dựng khoảng 112 USD/thùng. Chỉ cần tăng hoặc giảm 1 USD/thùng, chi phí nhiên liệu tăng/giảm tương ứng khoảng 224 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá nhiên liệu trung bình năm 2023 so với năm 2015 (thời điểm khung giá vé máy bay hiện tại được áp dụng) đã tăng tới 58,6%, từ mức giá 67,37 USD/thùng lên mức 106,86 USD/thùng. Với diễn biến này, theo tính toán của Vietnam Airlines chi phí nhiên liệu của hãng năm 2023 sẽ tăng so với năm 2019 trên 6.200 tỷ đồng.
Mặt khác, 70% chi phí vận chuyển hàng không bằng ngoại tệ, trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng VND. Do vậy, những biến động tỷ giá giữa USD và VND ảnh hưởng trực tiếp đến biên độ lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ giá đã tăng 9% từ 21.900 VND/USD bình quân năm 2015 lên 23.900 VND/USD bình quân năm 2023, gây áp lực lớn lên giá vé máy bay, đặc biệt đối với giá vé máy bay nội địa được định vị bằng VND và không có phụ thu nhiên liệu.
Không chỉ tỷ giá USD/VND tăng mà các đồng bản tệ ở các thị trường trọng điểm của du lịch vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng, dẫn đến hiệu quả thực của các hãng hàng không giảm đáng kể, thậm chí không có lãi mặc dù hệ số lấp đầy khá cao. Trong bối cảnh đó, các hãng hàng không trong nước đang phải “gồng mình” cố gắng tối ưu chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Hãng hàng không Vietravel Airlines cho biết, tỷ giá và giá nhiên liệu liên tục “nhảy múa” vượt ngoài dự báo cùng với việc phải hoàn trả các khoản nợ phát sinh trước đó đã khiến các hãng gần như kiệt quệ tài chính. Giải pháp cố gắng tối ưu chi phí thông qua cắt giảm chi phí nhân công, quản lý… mà các hãng đang thực hiện cũng không thay đổi được quá nhiều tình hình.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Không chỉ khó khăn bởi yếu tố đầu vào, các hãng hàng không nội địa cũng đang phải đối mặt với việc nhiều thị trường trọng điểm, truyền thống chậm phục hồi.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, việc nhóm thị trường trọng điểm gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc phục hồi không như dự kiến khiến các hãng bay Việt Nam mất đi một lượng lớn doanh thu và lợi nhuận.
Để bù đắp cho sự sụt giảm tại những thị trường truyền thống, một số hãng hàng không đã tích cực mở thêm đường bay quốc tế mới kết nối Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tới các điểm tại Australia, Ấn Độ và bước đầu ghi nhận những kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, hiện slot (lượt cất, hạ cánh) dành cho các hãng bay Việt Nam tới 2 thị trường này đã được khai thác hết nên khả năng gia tăng doanh thu thông qua việc tăng tần suất khai thác trong ít nhất 6 tháng tới là rất thấp.
Đại diện các hãng hàng không cho biết, tốc độ phục hồi của thị trường quốc tế rất chậm, dẫn đến việc các hãng tiếp tục đổ tải cung ứng vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, ngay ở thị trường nội địa, sức mua cũng đang giảm sút. Tình trạng dư thừa tải cung ứng thấy rõ trong 3 tháng cuối năm 2023 khi tải cung ứng tổng thị trường tăng 15,2% so với năm 2019 nhưng khách tổng thị trường chỉ tăng khoảng 7,5%. Điều này tác động tiêu cực đến giá và doanh thu của các hãng hàng không. Do dư thừa cung tải, một số hãng bay trong nước đang tạm thu hẹp đội máy bay. Trong đó, Vietravel Airlines giảm từ 6 chiếc xuống còn 3 chiếc; Bamboo Airways từ chỗ vận hành 30 máy bay, đã giảm còn 17 chiếc và khả năng còn giảm nữa trong giai đoạn sắp tới.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) Bùi Doãn Nề cho rằng, trong giai đoạn đại dịch Covid-19, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp các hãng hàng không giảm bớt khó khăn, duy trì hoạt động. Tuy nhiên, dự báo năm 2024 ngành Hàng không vẫn còn phải đương đầu với những thách thức rất lớn về giá xăng, dầu, tỷ giá, mức độ mở cửa của các thị trường quốc tế trọng điểm. Do đó, VABA kiến nghị Nhà nước tiếp tục xem xét các chính sách hỗ trợ ngành Hàng không, Du lịch trong năm 2024, nhất là các hãng hàng không Việt Nam như điều chỉnh phí, lệ phí, áp dụng thuế môi trường đối với nhiên liệu bay ở mức thấp nhất của khung thuế hiện hành...