“Bệ phóng” cho khu vực nông thôn
Với những đặc thù vốn có cả về thị trường cũng như điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác và bối cảnh phát triển hiện nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang cần một không gian phát triển mới, hiệu quả và bền vững hơn. Việc này vừa nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe của người dân.
Với những thành tựu đạt được trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Năm 2023, quy mô sản xuất lĩnh vực nông nghiệp đạt gần 50.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD, cao hơn xấp xỉ 8 lần so với năm 2008, đứng tốp đầu về quy mô so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng). Đặc biệt, một số lĩnh vực Hà Nội dẫn đầu toàn quốc, như: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 2.167 sản phẩm OCOP, chiếm 22% của cả nước; ngành chăn nuôi phát triển nhất cả nước với quy mô đàn trên 40 triệu con, trong đó đàn gia cầm đứng đầu cả nước, đàn lợn đứng thứ ba…
Điểm đáng chú ý là ngành Nông nghiệp Hà Nội đã, đang duy trì và bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm ổn định cho người dân, tạo việc làm và vành đai xanh cho Thủ đô.
Cùng với nội tại phát triển khá vững chắc so với cả nước, Hà Nội còn có những thế mạnh mà nhiều địa phương khác không có như: Có nhiều trường đại học, học viện về nông nghiệp đóng trên địa bàn, thuận lợi trong tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ mới; đội ngũ nhân lực dồi dào, chất lượng; thị trường tiêu thụ rộng lớn; là đầu mối giao thương lớn trong nước và vươn tầm quốc tế…
Với những thế mạnh ấy, góp ý với ngành Nông nghiệp Thủ đô trong cuộc làm việc với UBND thành phố Hà Nội diễn ra dịp đầu tháng 12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Ngành Nông nghiệp Thủ đô cần có tư duy mở hơn, từ đó tạo ra không gian giá trị lớn hơn. Nếu chỉ tư duy trên sản lượng thì giá trị không nhiều, không bảo đảm phát huy được tiềm năng sẵn có của khu vực nông thôn Hà Nội vốn có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và con người.
Thực tế cho thấy, vấn đề lớn nhất của nông nghiệp Hà Nội hiện nay chính là cần thay đổi để trở thành nền nông nghiệp tri thức, nông nghiệp thông minh.
Trong tầm nhìn dài hạn này, quá trình lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô, thành phố tiếp tục xác định vị trí, vai trò và hướng phát triển đồng bộ của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong tổng thể chung của Hà Nội. Trọng tâm là thành phố không chỉ giải bài toán an ninh lương thực, mà còn góp phần xây dựng thành phố xanh, thành phố của du lịch sinh thái và trải nghiệm.
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay của ngành Nông nghiệp Thủ đô cùng các địa phương trên địa bàn thành phố là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gắn với quy hoạch vùng sản xuất. Trong đó, yếu tố cốt lõi trong lĩnh vực nông nghiệp là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái. Từ định hướng này, các địa phương cần xây dựng quy hoạch cụ thể cho ngành Nông nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô. Một lưu ý quan trọng trong quy hoạch nông nghiệp, đó là cần chú trọng đến yếu tố văn hóa, du lịch bởi đây là nguồn lực lớn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay của mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Một không gian phát triển mới cho nông nghiệp Thủ đô sẽ là “bệ phóng” cho khu vực nông thôn Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.