Việc đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều 6-12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã chia sẻ về đề xuất dư luận là đưa dạy thêm và học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thứ trưởng cho biết, đây là vấn đề không mới, bởi trước đó Luật Đầu tư đã có quy định đây là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Thông tư số 17 ban hành và quy định về vấn đề này.
Luật Đầu tư bỏ nội dung này khỏi danh mục, sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bãi bỏ một số điều trong Thông tư số 17. Hiện nay, vấn đề đưa dạy thêm và học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện bắt đầu được đề xuất, đề xuất lại.
“Chúng tôi cho rằng, hiện nay, giáo viên tham gia dạy thêm ở 4 hình thức: Thầy cô dạy nhỏ lẻ (dạy gia sư, dạy cho học sinh tại nhà); tham gia dạy thêm ở trung tâm; tự thầy cô tổ chức trung tâm; dạy online, trực tuyến một mình hoặc thêm các đồng nghiệp tham gia tổ chức với quy mô lớn. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm không thể cấm được do không có văn bản cụ thể. Do không cấm nên trong thực tế có nhiều vấn đề xảy ra”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi có hoạt động dạy thêm, có nhiều vấn đề được quan tâm, như: Phụ huynh băn khoăn con mình học ở đâu, nội dung , học phí ra sao; chính quyền địa phương cũng phải xem xét nội dung học, có bảo đảm công khai minh bạch hay không; nếu là kinh doanh thì phải quan tâm đến điều kiện trách nhiệm của người dạy, cơ quan quản lý...
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc đưa dạy thêm và học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết để việc quản lý tốt hơn, bảo đảm quyền lợi cho người học, chất lượng giáo dục, nâng cao trách nhiệm của thầy cô. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thiện, sửa đổi thông tư để ban hành, quản lý chất lượng, quy định trong trường hợp nào thì được dạy thêm, dạy thêm đối tượng nào…
Liên quan đến vụ việc một nhóm học sinh ép cô giáo vào tường để văng tục chửi bậy xảy ra tại tỉnh Tuyên Quang, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị, yêu cầu tỉnh tiếp tục chỉ đạo, xác minh làm rõ việc này. UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan. Việc đầu tiên cần làm rõ là nguyên nhân khách quan, thấu đáo, trên cơ sở đó có biện pháp để xử lý nghiêm, cần thiết để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm sâu sắc.
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường việc hướng dẫn chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để bảo đảm bồi dưỡng cho giáo viên; thống nhất chương trình giảng dạy, đặc biệt là về tư tưởng đạo đức; công tác quản lý nhà nước…