Nông thôn mới

Đan Phượng hướng tới đô thị xanh, văn minh, văn hiến

Minh Phú 06/12/2023 - 17:05

Từ khi Hà Nội thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới tới nay, Đan Phượng luôn giữ vai trò “Lá cờ đầu" của thành phố với nhiều cách làm sáng tạo. Hiện Đan Phượng đang hướng tới đô thị xanh, hiện đại, văn minh, văn hiến...

anh-1(1).jpg
Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn ở huyện Đan Phượng được đầu tư khang trang, hiện đại.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, năm 2015, Đan Phượng đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới; được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, Đan Phượng tiếp tục có 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đến hết năm 2022, huyện có 12/15 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, 3 xã: Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An được Đoàn thẩm định của huyện thẩm định đủ điều kiện trình thành phố thẩm định, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả đạt được, Đan Phượng sẽ là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu tại 100% số xã.

anh-2.jpeg
Nhiều hộ dân ở xã Đồng Tháp chuyển từ trồng lúa sang trồng hoa vừa cho giá trị kinh tế cao, vừa làm đẹp không gian làng quê.

Đi cùng danh hiệu dẫn đầu thành phố trong xây dựng nông thôn mới đó là những kết quả rất cụ thể.

Theo ông Nguyễn Viết Đạt, với tiêu chí trường học, huyện có số trường đạt chuẩn quốc gia dẫn đầu thành phố. Toàn huyện có 54/58 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; có 33/58 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đối với lĩnh vực y tế, huyện có 100% số trạm y tế đạt chuẩn. Hiện nay, tất cả thôn, cụm dân cư trên địa bàn huyện đều có vườn hoa, sân chơi được lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời; hệ thống ao hồ, kênh, rãnh thoát nước được cải tạo, bảo đảm vệ sinh môi trường. Huyện đã kè được 121/145 ao môi trường...

Song song với xây dựng hạ tầng, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm thực hiện. Tỷ lệ thôn, làng văn hóa của huyện đã đạt 99,2%. Toàn huyện không còn hộ nghèo.

anh-3.jpeg
Tuyến đê kiểu mẫu ở xã Đan Phượng được thực hiện với sự chung sức của chính quyền và nhân dân...

Để có thành quả trong xây dựng nông thôn mới, theo Bí thư Huyện uỷ Đan Phượng Trần Đức Hải, quá trình triển khai thực hiện, huyện đã chọn được các điểm nhấn. Đó là từ năm 2018, Đan Phượng đã tổ chức Cuộc thi thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp. Chỉ trong 30 tháng phát động, không tính giá trị ngày công lao động, chỉ tính riêng đóng góp vật chất của người dân đã đạt trên 30 tỷ đồng, tạo chuyển biến rất lớn về diện mạo cho các thôn, làng. Điều đó cho thấy chủ trương đúng, cách làm đúng thì người dân sẽ chủ động tham gia rất tích cực...

Quá trình triển khai thực hiện phong trào, huyện Đan Phượng tiếp tục có những sáng tạo phù hợp đặc điểm tình hình địa phương. Khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc thi được "làm mới" thêm nội dung: Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Hiện nay, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện bổ sung thêm nội hàm: Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh…

Đan Phượng hiện có 16 xã, thị trấn, 129 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố. Tính đến nay, toàn huyện đã thành lập được 16 tổ công nghệ số cộng đồng ở 16 xã, thị trấn; 129 tổ công nghệ thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số 1.015 thành viên phục vụ việc tuyên truyền, trao đổi về các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội của thôn, xã và tiếp nhận phản ánh của người dân trên địa bàn. Huyện cũng đã xây dựng được 16 mô hình camera an ninh tại 16 xã, thị trấn với tổng số hơn 2.700 camera...

Đặc biệt, trong chuyển đổi số, huyện tập trung xây dựng "xã hội số" với những công dân số. Người dân được hỗ trợ, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao vào các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống...

anh-4.jpg
Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng thu hút hàng chục nghìn du khách tham quan, trải nghiệm.

Cũng trong Phong trào sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh, huyện Đan Phượng có thêm “đặc sản", đó là xây dựng tuyến đê kiểu mẫu. Thống kê trên địa bàn huyện có 35km đê (tương đương với 70km taluy) đã được chính quyền cùng nhân dân cải tạo, làm sạch và làm đẹp. Đáng chú ý, xây dựng những tuyến đê kiểu mẫu từ 100% vốn xã hội hoá do người dân đóng góp.

Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải, định hướng của huyện là xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, đưa các xã thành phường, huyện thành quận. Thời gian tới, Đan Phượng tập trung triển khai các dự án hạ tầng khung, dự án phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; trồng cây xanh trên các tuyến đường, khu công cộng, bảo đảm cảnh quan môi trường, phấn đấu đất cây xanh công cộng đạt 4m2/người; tiếp tục triển khai thực hiện mô hình xã, thôn thông minh; xây dựng thị trấn Phùng đạt chuẩn đô thị văn minh...