Hà Nội kết nối

Đường thủy đột phá để du lịch sông nước "lên ngôi"

Minh Tuấn 06/12/2023 - 15:03

Nhằm phát huy tiềm năng du lịch đường thủy, thành phố Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động nhiều tuyến mới, phát triển đa dạng các loại hình vận chuyển hành khách.

dk.jpg
Du khách quốc tế trải nghiệm sông nước trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có lộ trình dài 4,5km từ quận 1 đến quận 3.

Nhiều tuyến du lịch đường thủy mới

Hưởng ứng Tuần lễ Du lịch thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 3 (từ ngày 4 đến 10-12), Sở Du lịch thành phố vừa giới thiệu 17 sản phẩm du lịch đường thủy. Trong đó, nhóm các sản phẩm du lịch đường thủy thường kỳ gồm 7 tuyến và nhóm sản phẩm du lịch đường thủy mới gồm 10 tuyến.

Một số tuyến đường thủy nổi bật, tầm ngắn như tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khởi hành thường kỳ vào 17h hằng ngày, kéo dài từ 2 đến 4 giờ; khám phá vẻ đẹp trên sông Sài Gòn với hành trình bến ga tàu thủy Bạch Đằng - mũi Đèn Đỏ - bán đảo Thanh Đa - bến ga tàu thủy Bạch Đằng; tuyến ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn.

Hay tuyến du lịch đường thủy từ bến Bạch Đằng đến Củ Chi và ngược lại; tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương với hành trình từ bến ga tàu thủy Bạch Đằng - Bến Tiamo - Becamex Hotel New City, thời gian 2 ngày 1 đêm phục vụ khách du lịch golf…

image006.png
Thành phố Hồ Chí Minh đang hình thành và đưa vào hoạt động nhiều tuyến du lịch đường thủy mới.

Ngoài ra, Sở Du lịch cũng có kế hoạch đến năm 2025 khai thác trên tất cả tuyến sông Sài Gòn, liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến nội đô.

Về phía địa phương, UBND quận 7 vừa cho ra mắt một số sản phẩm du lịch đường thủy mới, thường kỳ như tuyến giao thông thủy nội đô thành phố; tuyến giao thông thủy về Nhà Bè, Cần Giờ; tuyến giao thông thủy về Cần Giuộc (Long An); tuyến giao thông thủy kết nối với Đồng Nai qua tour golf rất thuận tiện khi di chuyển bằng ca nô cao tốc chỉ có 25 phút.

Phó Chủ tịch UBND quận 7 Nguyễn Thị Bé Ngoan cho biết, quận 7 có vị trí địa lý là cửa ngõ phía Nam của thành phố và cầu nối mở hướng phát triển với Biển Đông. Do đó, địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đường thủy giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030 với nhiều nội dung phát triển du lịch khai thác lợi thế địa hình sông nước.

Nhằm đa dạng loại hình vận chuyển khách bằng đường thủy, Tổng Thư ký Câu lạc bộ Du thuyền thành phố Thủ Đức Nguyễn Trần Hữu Thắng đề xuất ý tưởng triển khai thử nghiệm mô hình taxi nước chạy bằng điện và năng lượng mặt trời đến các địa phương có hệ thống sông ngòi, tạo ra một mạng lưới taxi đường thủy, giúp giảm áp lực cho giao thông đường bộ, giảm ô nhiễm và tạo ra phương tiện đi lại mới mẻ cho người dân và du khách.

dl2.jpg
Du khách trải nghiệm tuyến du lịch đường thủy từ bến Bạch Đằng đến Củ Chi và ngược lại.

Phó Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh) Ngô Đặng Quá Hải cho hay, Sở đang từng bước xây dựng các điểm liên kết để kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đơn cử, thành phố sẽ kết hợp với tỉnh Tiền Giang để sớm kêu gọi nhà đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường thủy kết nối giữa 2 địa phương. Mặt khác, đẩy nhanh tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Côn Đảo nhằm khai thác tiềm năng du lịch.

Theo nhận xét của các doanh nghiệp làm du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch đường thủy tại thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phong phú, với những tuyến du lịch tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, tầm xa liên vận quốc tế. Qua đó, góp phần thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, thưởng thức đa dạng giá trị văn hóa của khách du lịch quốc tế và nội địa.

Dần gỡ bỏ "điểm nghẽn" về tĩnh không

Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu nhấn mạnh, để loại hình du lịch đường thủy phát triển hơn nữa thời gian tới, thành phố đang kêu gọi đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng; nâng độ tĩnh không các cây cầu; hoàn thiện hạ tầng bến, bãi neo đậu tàu; sắp xếp, quy hoạch các bến tàu theo quy hoạch chung của thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

bt.jpg
Cầu Bình Triệu 1 sẽ được nâng tĩnh không lên 7m.

Một trong những "điểm nghẽn" cản trở ngành du lịch hiện nay là tình trạng cầu thấp và không đảm bảo độ tĩnh không để các tàu thuyền lớn qua lại do phần lớn các cây cầu bắc qua sông Sài Gòn hay nhánh của sông này được xây từ hàng chục năm trước.

Xuất phát từ thực tế đó, thành phố Hồ Chí Minh vừa phê duyệt nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 (quốc lộ 13) và cầu Bình Phước 1 (quốc lộ 1). Đây là 2 công trình trọng điểm và là "điểm nghẽn" lớn nhất về giao thông thủy khi không đảm bảo độ tĩnh không để các tàu thuyền lớn lưu thông.

dl.jpg
Đa dạng loại hình vận chuyển bằng đường thủy góp phần đưa du khách đến với các lễ hội sông nước.

Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Phan Công Bằng cho biết, việc nâng tĩnh không 2 cây cầu lớn này nhằm đáp ứng đồng bộ tĩnh không các cầu trên sông Sài Gòn đạt tối thiểu 7m theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Từ đó giúp tàu, thuyền, ghe đi lại, chở hàng hóa dễ dàng, phục vụ phát triển du lịch đường thủy, kết nối thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh lân cận thuận tiện.

Ngay cả dự án trọng điểm xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 mà Sở GTVT vừa trình UBND thành phố Hồ Chí Minh kết quả nghiên cứu tiền khả thi cũng có thiết kế đặc biệt khi có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45m, giúp các tàu lớn như tàu khách du lịch quốc tế lưu thông trên sông Sài Gòn để vào trung tâm thành phố, thúc đẩy du lịch đường thủy phát triển.

fb_img_1701832144309.jpg
Cầu Thủ Thiêm 4 được thiết kế nhịp nâng tạo thông thuyền cho tàu du lịch cỡ lớn qua lại.

Dự kiến, sau khi hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư, công trình với tổng vốn hơn 6.000 tỷ đồng này sẽ khởi công vào năm 2025 và hoàn thành năm 2028.

Ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt. Đồng thời, phấn đấu, tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.