Văn hóa

Con trai cựu tù Mỹ xúc động tại triển lãm “Thang âm cuộc chiến”

Hoàng Lân 06/12/2023 - 13:27

43 lần trở lại di tích Nhà tù Hỏa Lò, lần nào ông Thomas Eugene Wilber - con trai của cựu tù Hỏa Lò Walter Eugene Wilber - cũng xúc động.

Lần này trở về, tham dự trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến”, ông Thomas vẫn luôn nhớ về kỷ niệm của người cha. Với ông, trở về Hỏa Lò như trở về nhà.

1-3-.jpg
Các nhân chứng lịch sử và khách mời chia sẻ tại trưng bày "Thang âm cuộc chiến".

Ngày 6-12, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến” nhân kỷ niệm 51 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2023); kỷ niệm 50 năm trao trả phi công Mỹ (1973-2023).

Trưng bày có sự tham gia của nhiều nhân chứng lịch sử, đặc biệt, có ông Thomas Eugene Wilber - con trai của cựu tù Hỏa Lò Walter Eugene Wilber, từng bị bắt tạm giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1968 đến 1973.

2(2).jpg
Ông Thomas Eugene Wilber chia sẻ, đây là lần thứ 43 ông đến Nhà tù Hỏa Lò.

Tham gia trưng bày “Thang âm cuộc chiến”, ông Thomas cho biết, đây là lần thứ 43 ông đến Nhà tù Hỏa Lò và lần nào cũng mang đến cho ông nhiều kỷ niệm.

“Nơi đây, cha tôi từng bị bắt giữ, nhưng cũng từ đây, cha tôi đã cảm nhận được sự nồng hậu, chân thành của người dân Việt Nam cũng như nhìn nhận rõ hơn về cuộc chiến. Những bức thư ông gửi cho anh trai tôi và tôi được viết tại đây, đã kể lại cho chúng tôi những câu chuyện về Việt Nam và về tình người. Những điều đẹp đẽ đó khiến cho tôi luôn muốn trở về Việt Nam và trở lại Nhà tù Hỏa Lò. Tôi coi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình, bởi ở đây có kỷ niệm của cha tôi”, ông Thomas chia sẻ.

4(2).jpg
Bức thư của các phi công Mỹ từng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò gửi về cho gia đình.

Trưng bày gồm 3 nội dung: Khúc ca chiến thắng, Dòng ký ức Chung tay hàn gắn. Các nội dung nhằm giúp công chúng hiểu hơn sự khốc liệt của những cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ khi leo thang phá hoại miền Bắc; tái hiện cuộc sống sinh hoạt, lao động của quân, dân Hà Nội (cuối năm 1972) với tinh thần đoàn kết chiến đấu và phục vụ chiến đấu vượt qua mất mát, đau thương, làm nên Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

Trưng bày cũng giới thiệu cuộc sống của các phi công Mỹ trong trại tạm giam Hỏa Lò cùng mong muốn chấm dứt chiến tranh để trở về với gia đình; câu chuyện về những ngày trao trả phi công Mỹ cách đây 50 năm (1973-2023.

Những nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm khắc phục hậu chiến tranh cùng với sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động ngoại giao nhân dân, đặc biệt là các cựu chiến binh, đã góp phần nối lại quan hệ giữa hai nước.

5(2).jpg
Không gian trưng bày một số bức thư và tranh vẽ của các phi công Mỹ từng bị tạm giam tại Hỏa Lò.
387483421_2111327989217693_6855905505197500025_n.jpg
Trưng bày với 3 nội dung đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.

Tại sự kiện, những nhân chứng lịch sử đã kể lại những ký ức không quên về 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”.

Trong câu chuyện của Đại tá Nghiêm Đình Tích, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Đài trưởng đài Radar P35, Đại đội 45, Trung đoàn Radar 291, Quân chủng Phòng không - Không quân và ông Nguyễn Văn Hùng - Pháo thủ số 1 Trung đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên tham gia bắn rơi 1 máy bay F111 vào tối 22-12-1972, những thời khắc lịch sử hiện lên sống động.

Trong 12 ngày đêm (từ 18 đến 30-12-1972), quân và dân miền Bắc, trong đó có Hà Nội, đã kiên cường chiến đấu, đánh trả cuộc tập kích chiến lược của quân đội Mỹ. Dưới mưa bom bão đạn, các lực lượng vũ trang, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không Không quân, đã chủ động, sáng tạo cùng nhân dân Thủ đô phát huy sức mạnh đánh địch.

Bám trụ trận địa, những người con quả cảm vẫn bền gan, vững chí, quyết tâm tiêu diệt máy bay địch, làm một trận “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất của quân đội Mỹ.

6(2).jpg
7(2).jpg
Nhiều tư liệu quý về 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" được trưng bày tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Tại triển lãm, bên cạnh không gian trưng bày, công chúng còn được xem một số bức thư và tranh vẽ của một số phi công Mỹ từng bị tạm giam Hỏa Lò và một số trại giam khác.

Đó là thư viết gửi gia đình được đọc, thu âm và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhân dịp Giáng sinh của Đại úy Hải quân Robert Deane Woods; thư viết gửi gia đình được đọc, thu âm và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhân dịp Giáng sinh năm 1970; tranh “Giáng sinh đầu tiên” do Trung tá Không quân Hervey Studdifort Stockman vẽ trong thời gian bị giam tại Hỏa Lò năm 1970.

Trưng bày “Thang âm cuộc chiến” kéo dài đến 30-6-2024 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.