Ứng Hòa đẩy mạnh xây dựng, quảng bá sản phẩm OCOP
Năm 2023, huyện Ứng Hòa có 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 5 sản phẩm tiềm năng đạt 4 sao, hoàn thiện hồ sơ trình thành phố đánh giá, phân hạng, vượt 8,3% chỉ tiêu với tổng số 70 sản phẩm được công nhận OCOP...
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, từ năm 2019 đến hết năm 2022, huyện đã được UBND thành phố đánh giá, công nhận 44 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 13 sản phẩm OCOP 4 sao, gồm: Gạo Japonica giống Nhật Bản JO2 (gạo chất lượng Khu Cháy); bưởi Diễn; nụ trầm Từ Bi Hương, nụ trám Từ Bi Hương, nụ quế Từ Bi Hương, hương vòng của hộ kinh doanh Nguyễn Thu Phương, xã Quảng Phú Cầu; đàn tỳ bà gỗ hương khảm trai, đàn bầu gỗ mun khảm trai, đàn nguyệt gỗ mun khảm trai, đàn tranh gỗ mun khảm trai, đàn nhị gỗ hương, đàn đáy gỗ hương, đàn tam gỗ hương của hộ kinh doanh sản xuất nhạc cụ Cường Anh, xã Đông Lỗ và 31 sản phẩm 3 sao.
Năm 2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Ứng Hòa đã tổ chức, đánh giá 28 sản phẩm (đánh giá mới 26 sản phẩm, 2 sản phẩm đánh giá lại) trong đó có 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 5 sản phẩm tiềm năng đạt OCOP 4 sao đã hoàn thiện hồ sơ trình thành phố đánh giá, phân hạng, vượt 8,3% chỉ tiêu năm 2023 với tổng số 70 sản phẩm được công nhận OCOP...
Sau khi được thành phố công nhận, một số sản phẩm có tốc độ phát triển mạnh như: Gạo Japonica giống Nhật Bản JO2 với sản lượng tiêu thụ tăng hơn 2.000 tấn so với năm được công nhận (năm 2019 tiêu thụ 3.000 tấn, năm 2022 tiêu thụ trên 5.000 tấn). Sản phẩm chả vịt với sản lượng tiêu thụ tăng hơn 3 lần/tháng so với năm được công nhận (năm 2021 sản lượng tiêu thụ 600kg/tháng, năm 2023 hơn 2.000kg/tháng). Nhiều sản phẩm khác có tốc độ tiêu thụ tăng bình quân đạt 30% so với trước khi được công nhận.
Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú) Cao Thị Thuỷ cho biết: "Để nâng cao chất lượng cho hạt gạo, hợp tác xã đầu tư hệ thống sấy thóc với công suất 300 tấn/ngày. Ngoài ra, hợp tác xã còn phát triển hệ thống xay, xát gạo theo dây chuyền hiện đại, sản phẩm đủ tiêu chuẩn vào các kênh siêu thị, cửa hàng phân phối, tiến tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu. Đến nay, trung bình mỗi vụ, hợp tác xã tiêu thụ hơn 7.000 tấn gạo trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Khả năng cung ứng cho thị trường của hợp tác xã khoảng 100 tấn gạo/tháng.
Mặt khác, để quản lý, giám sát sản phẩm OCOP trên địa bàn, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế hằng năm phối hợp Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm... tổ chức kiểm tra, giám sát các chủ thể đã được cấp giấy chứng nhận việc tuân thủ quy định về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn. Theo đó, cơ bản các chủ thể bảo đảm theo quy định của pháp luật. Nhờ quản lý chặt chẽ về chất lượng, sản phẩm OCOP của Ứng Hòa đang đứng vững trên thị trường.
Để sản phẩm OCOP của địa phương được nhiều người tiêu dùng biết đến, Ứng Hòa triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các chủ thể trong giới thiệu, quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm tại nhiều sự kiện trong và ngoài thành phố. Huyện còn hỗ trợ hơn 100 triệu đồng xây dựng thí điểm 2 cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm thế mạnh của huyện đã có nhãn hiệu, truy xuất được nguồn gốc tại Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, xã Phương Tú và Siêu thị Hiền Lương, xã Hoà Xá để trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, tháng 7-2023, UBND huyện phối hợp với Trung tâm xúc tiến Đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội tổ chức thành công Festival nông sản thành phố Hà Nội lần thứ 2 tại Ứng Hòa...
Tiếp đó, từ ngày 8 đến 11-12, huyện sẽ tổ chức Chương trình triển lãm, thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP làng nghề 2023, chào mừng huyện đón nhận đạt chuẩn nông thôn mới và Huân chương Lao động hạng Nhì… Với quy mô khoảng 100 gian hàng, hơn 1.000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội và 25 tỉnh, thành phố trong cả nước, Chương trình được thiết kế đẹp mắt, không gian mở với nhiều mô hình, tiểu cảnh nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, gắn kết du lịch nông nghiệp, mang đậm dấu ấn địa phương.
Trong các ngày diễn ra chương trình, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức nhằm thu hút khách tham quan như trải nghiệm làm sản phẩm OCOP tại chỗ, hoạt động giao lưu, trình diễn văn hóa địa phương; giới thiệu ẩm thực quà quê, trò chơi dân gian, gắn kết cộng đồng của các nghệ nhân, nhân dân địa phương...