Chính trị

Kỷ niệm 34 năm Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989 - 6/12-2023): Phát huy truyền thống “trung thành - đoàn kết - gương mẫu - đổi mới”

Hiền Phương 06/12/2023 - 06:25

Ngày 6-12-1989, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI quyết định thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Từ đó, ngày 6-12 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

34 năm qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam nói chung, cán bộ, hội viên cựu chiến binh Thủ đô nói riêng luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực vun đắp và phát huy truyền thống quý báu “trung thành - đoàn kết - gương mẫu - đổi mới”.

hoi-cuu-chien-binh.jpg
Đại diện Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội trao hỗ trợ xây nhà “nghĩa tình đồng đội” cho gia đình cựu chiến binh tại xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng).

Vững vàng bản lĩnh

34 năm qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Tổ chức hội được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, cả nước có gần 3 triệu hội viên được tập hợp, hoạt động có hiệu quả tại hơn 16 nghìn tổ chức hội cơ sở. Đồng thời, hội đã phối hợp với các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tập hợp hơn 1,6 triệu cựu quân nhân vào sinh hoạt trong các câu lạc bộ cựu quân nhân. Các thế hệ cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục giữ vững và phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh, tích cực tham gia giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Với những đóng góp tích cực, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã khẳng định vị thế của một tổ chức chính trị - xã hội, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của nhân dân; vun đắp truyền thống vẻ vang: “Trung thành - đoàn kết - gương mẫu - đổi mới”. Nhiều cán bộ, hội viên đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hết lòng thương yêu giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp.

Gắn liền với quá trình xây dựng, phát triển về mọi mặt của Hội trong 34 năm qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, nòng cốt là phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” gắn với các cuộc vận động của Trung ương và địa phương. Trong đó, nổi bật là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia.

Chung sức xây dựng quê hương

Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội hiện có khoảng 28 vạn hội viên, trong đó có gần 500 cán bộ cấp tướng, hơn 15 nghìn cán bộ cao cấp. Trở về cuộc sống đời thường, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều cựu chiến binh là thương binh, bệnh binh đã vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác xã hội trên các lĩnh vực, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Nhiều cựu chiến binh tiên phong tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và hội viên; tích cực tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Các cấp Hội đã phối hợp với địa phương tham gia giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trong công tác giải phóng mặt bằng, dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và giải quyết những vụ việc phức tạp tại cơ sở...

Đặc biệt, từ cuối năm 2019, khi dịch Covid-19 bùng phát, các cấp Hội Cựu chiến binh thành phố đã vận động, cử hơn 70 nghìn lượt hội viên tham gia tổ tuần tra, trực chốt, giám sát cộng đồng tại hơn 5 nghìn điểm phòng, chống dịch của các địa phương; cử trên 7 nghìn lượt hội viên tham gia các tổ tuyên truyền lưu động, "tổ Covid cộng đồng"… Cựu chiến binh Thủ đô đã đóng góp được hơn 45 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và công tác an sinh xã hội của thành phố, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Bám sát thực tiễn đời sống của hội viên và tình hình địa phương, các cấp Hội Cựu chiến binh Thủ đô đã ban hành Đề án “Cựu chiến binh Thủ đô đoàn kết giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội và hoạt động tình nghĩa”. Qua 5 năm thực hiện, các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên đóng góp được hơn 15 tỷ đồng, giúp 431 hội viên xây dựng mới, sửa chữa nhà ở; tặng 71 bò sinh sản cho gia đình hội viên, trị giá 1,42 tỷ đồng; hỗ trợ 126 hội viên nghèo 1,986 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Hội Cựu chiến binh thành phố đã vay vốn tín dụng từ 13 chương trình ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và tham gia xây dựng nông thôn mới với số dư nợ 1,925 tỷ đồng. Các cấp Hội huy động hội viên đóng góp quỹ được hơn 116,8 tỷ đồng cho hơn 10 nghìn hội viên vay không tính lãi để sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cấp Hội Cựu chiến binh đã vận động 24.179 gia đình hội viên tự nguyện hiến 726.594m2 đất, trong đó có 192.436m2 đất thổ cư để phát triển cơ sở hạ tầng; đóng góp ủng hộ hơn 158 tỷ đồng, 678.238 ngày công, tham gia tu sửa 3.942,6km đường giao thông liên thôn, xã; 3.228,5km kênh mương nội đồng, 4.260 cầu cống, 1.337 trường học, bệnh xá, nhà văn hóa thôn; chủ trì tôn tạo 146 nghĩa trang liệt sĩ…

Xác định xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh để xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân, thời gian tới, Hội Cựu chiến binh thành phố sẽ tiếp tục vận động, tập hợp các thế hệ cựu chiến binh Thủ đô, cựu quân nhân phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng tổ chức Hội thực sự vững mạnh, phấn đấu là đơn vị tiêu biểu trong phong trào cựu chiến binh cả nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.