Góc nhìn

Để mỗi cán bộ “tự soi, tự sửa”

Đình Hiệp 06/12/2023 - 06:21

Tại kỳ họp thứ mười bốn, HĐND thành phố Hà Nội khai mạc hôm qua (5-12), một trong những hoạt động giám sát quan trọng là thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu theo quy định của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội.

Đây là thông tin được cử tri Thủ đô quan tâm trong kỳ họp thường lệ cuối năm này.

Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm gửi đến từng đại biểu HĐND thành phố, tại kỳ họp này, HĐND thành phố thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 chức danh là Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND thành phố và 7 chức danh là Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban HĐND thành phố.

Như khẳng định của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tại phiên khai mạc, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu là hoạt động giám sát quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Đây cũng là dịp để người được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa” mình, thấy được mức độ tín nhiệm của mình trước cử tri để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong thời gian tới. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thành phố có đầy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều Chỉ thị, Đề án quan trọng về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị. Mới đây, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đã có công văn triển khai thực hiện Kế hoạch số 188-KH/TU ngày 6-11-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã, cấp ủy trực thuộc Thành ủy giai đoạn 2024-2025 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cả hệ thống chính trị thành phố cũng như phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.

Thủ đô Hà Nội cũng đang thực hiện có hiệu quả sắp xếp lại công tác tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và biên chế của các đơn vị. Đồng thời, thành phố Hà Nội tổ chức triển khai rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình công tác, quy chế làm việc và phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính tại các đơn vị. Trong bối cảnh đó, việc HĐND thành phố lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 chức danh lãnh đạo lần này được cử tri Thủ đô đặt nhiều kỳ vọng.

Đây là lần thứ ba (trước đó là năm 2013 và năm 2018), HĐND thành phố lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh theo quy định. Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm phải được thực hiện nghiêm túc, không hình thức và đánh giá đúng về uy tín, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đây cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Vì thế, mỗi đại biểu cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh. Bởi nâng cao chất lượng lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND là góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực tại địa phương, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới.