Xe++

Châu Âu chưa đủ nguyên liệu sản xuất xe điện hướng tới mục tiêu di chuyển “xanh” vào năm 2030

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 05/12/2023 - 20:49

Các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu mới chỉ bảo đảm được khoảng 20% lượng kim loại chủ chốt cần thiết để sản xuất lượng xe điện đáp ứng các mục tiêu di chuyển xanh vào năm 2030, theo một phân tích mới công bố của Cơ quan Giao thông & Môi trường (T&E) Liên minh châu Âu (EU).

car05192-enhanced-nr.jpg
Trong năm qua, các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã liên tục tung ra nhiều mẫu xe điện mới.

Tới nay, hầu hết hãng xe hiện diện tại châu Âu đều đã công bố kế hoạch chỉ bán xe điện vào khoảng năm 2030, tức là trước cả khi EU cấm bán xe mới sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035. Để hiện thực hóa mục tiêu này, đòi hỏi lượng nguyên liệu rất lớn.

Khi thế giới loại bỏ phương tiện sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2030, nhu cầu lithium được dự báo sẽ tăng gấp 4 lần. T&E đánh giá, lượng lithium thiếu hụt có thể lên tới 390.000 tấn.

Nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, trong trung và dài hạn, lithium sẽ là yếu tố chính kiềm chế sản lượng ngành công nghiệp pin, và gián tiếp bóp nghẹt các dây chuyền sản xuất xe điện.

Trong khi đó, các dự án khai thác nếu khởi động lúc này phải mất ít nhất 5 năm để bắt đầu sản xuất ở quy mô lớn. Thực tế này đồng nghĩa, các quyết định đầu tư bảo đảm chuỗi cung ứng nguyên liệu cần phải được đưa ra sớm để chúng thực sự có tác dụng vào cuối thập kỷ.

Tuy nhiên, phân tích của T&E dựa trên số hợp đồng đã ký kết được công bố cho thấy, các nhà sản xuất ô tô châu Âu hiện mới bảo đảm được khoảng 16% lượng kim loại chủ chốt cần thiết cho việc sản xuất pin xe điện (gồm coban, lithium và niken) để phục vụ mục tiêu bán hàng vào năm 2030. Trong đó, trừ Volkswagen và Stellantis đã đạt được một số kết quả nhất định, phần còn lại đều đang “tụt xa phía sau".

car05322-enhanced-nr.jpg
Nhiều nhà sản xuất đang tìm cách thay thế những chất hóa học trong kết cấu pin truyền thống sang các loại mới.

Cũng theo đánh giá, trong số những hãng có mặt tại châu Âu, Tesla, BYD, Volkswagen, Ford, Renault và Stellantis là các tên tuổi đã có đủ hợp đồng dài hạn cho cả 3 kim loại chính, hoặc có kế hoạch thay đổi kết cấu hóa học của pin để tránh sử dụng những kim loại này.

Trong khi đó, Mercedes-Benz chỉ có một hợp đồng được tiết lộ công khai cho một khoáng sản quan trọng. Còn BMW, tới nay vẫn phản đối việc EU loại bỏ hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong, chưa tiết lộ đầy đủ thông tin về tiến độ tìm kiếm nguyên liệu của mình.

"Có một sự mất kết nối rõ ràng giữa mục tiêu xe điện mà các nhà sản xuất ô tô đặt ra với việc đảm bảo nguồn cung khoáng sản các chiến lược mà họ cần", Julia Poliscanova, Giám đốc cấp cao về chuỗi cung ứng xe và di chuyển điện tại T&E, cho biết.

Chuyên gia này cho rằng, kết quả đánh giá lần này sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo các giám đốc điều hành và các nhà đầu tư của ngành công nghiệp ô tô châu Âu trong việc cần thiết phải kiện toàn chuỗi cung ứng cho nhu cầu sản xuất tương lai.

Dù vậy, báo cáo của T&E cũng chỉ ra rằng, các nhà sản xuất ô tô Đức như BMW, Mercedes-Benz và Volkswagen đang dẫn đầu so với toàn ngành về việc đảm bảo nguồn nguyên liệu có trách nhiệm, tức rõ ràng về nguồn gốc nguyên liệu thô, quy trình khai thác phát thải carbon thấp, quyền lợi nhân lực khai thác, không sử dụng lao động trẻ em và lao động bị bóc lột, không sử dụng các kỹ thuật hủy hoại môi trường…