Thành phố Hồ Chí Minh: Dự kiến có 80 đơn vị hành chính cấp xã cần sắp xếp giai đoạn 2023-2030
UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố dự kiến thực hiện sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn này.
Trên cơ sở thống kê và quy đổi, quy mô dân số của các phường, xã, thị trấn và quận, huyện, UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2023-2030, thành phố có 2 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp là quận 6 và huyện Nhà Bè; 129 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp, nhưng có 49 phường có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp.
Như vậy, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 80 phường cần phải sắp xếp lại trong giai đoạn 2023-2030, thuộc 10 quận gồm: Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 8, Quận 10, Quận 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận.
Theo UBND thành phố, sau sắp xếp, từ 80 phường liên quan thuộc 10 quận hình thành 38 phường mới, giảm 39 phường; trong đó, đa số nhập cơ học từ 2 phường hiện hữu hình thành 1 phường mới, có 7 trường hợp 3 phường hoặc 1 phần của phường cũ hình thành 1 phường mới. Các phường hình thành mới đều đạt chuẩn về quy mô dân số, có 12/38 phường mới có quy mô dân số trên 45.000 người, đạt 300% so với tiêu chuẩn.
Để đảm bảo tính ổn định cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đồng thời, phù hợp với Đề án quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, thành phố tiến hành rà soát xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cả 2 giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030 thực hiện sắp xếp chung một lần.
Về nguyên nhân, UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030 rất lớn, nhất là trong giai đoạn 2023-2025. Vì vậy, dự báo công tác sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn này sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
"Việc sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, tác động đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Vì vậy, công tác sắp xếp ngoài việc thực hiện đúng theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn phải phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương", UBND thành phố Hồ Chí Minh nêu lý do.