Tạo chuyển biến mạnh mẽ phục vụ sản xuất ở Thường Tín
Hiện tại, huyện Thường Tín còn tồn đọng 1.975 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi, làm suy giảm năng lực công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, gây bức xúc trong nhân dân.
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý, khai thác hiệu quả công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, huyện đang tập trung xử lý dứt điểm những vi phạm tồn đọng, tăng cường đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng.
Nhiều công trình bị xuống cấp, xâm hại
Kênh 71 là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của huyện Thường Tín khi làm nhiệm vụ tiêu thoát nước cho hàng trăm héc ta sản xuất nông nghiệp, dân sinh của các xã: Hồng Vân, Tự Nhiên, Thư Phú, Vân Tảo, Liên Phương... Tuy nhiên, tuyến kênh này đang bị xâm hại nghiêm trọng với các hành vi làm cầu bắc qua mặt kênh, xây dựng công trình và tập kết vật liệu xây dựng...
Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Xuân Trí ở xã Vân Tảo đã có hành vi làm cầu, dựng lán trên mặt kênh, xây nhà ở trong phạm vi bảo vệ kênh... Những hành vi này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi mà còn ảnh hưởng cảnh quan, mở rộng khuôn viên Trường Tiểu học Vân Tảo, gây bức xúc trong nhân dân địa phương.
Tương tự, nhiều công trình thủy lợi quan trọng khác của huyện Thường Tín đang bị xâm hại. Thống kê của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho thấy, trên địa bàn huyện Thường Tín từ năm 2010 đến nay, tồn tại 1.975 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi; trong đó có tới 530 vụ vi phạm trên các công trình thủy lợi lớn và 1.445 vụ vi phạm trên các công trình thủy lợi nội đồng...
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thường Tín còn nhiều tuyến kênh, trạm bơm bị bồi lắng, xuống cấp chưa được nạo vét, nâng cấp, làm suy giảm năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật thủy lợi.
Tuy nhiên, một số địa phương chưa xử lý dứt điểm vi phạm. Một số chủ đầu tư chưa quan tâm hoàn thiện thủ tục về giấy phép xây dựng, dẫn đến vi phạm Luật Thủy lợi. Mặt khác, một số hộ dân chưa hiểu đầy đủ các quy định của Luật Thủy lợi nên đã tự ý lấn chiếm, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, trồng cây, tập kết vật liệu xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi…
Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác
Để nâng cao hiệu quả quản lý công trình thủy lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức giải tỏa vi phạm; trong đó tập trung xử lý dứt điểm những vi phạm ảnh hưởng đến an toàn công trình, như: Kênh tiêu 71, kênh Tây, sông Nhuệ... Các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy lợi; vận động các hộ dân tự giác tháo dỡ, giải tỏa vi phạm.
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Thường Tín Lý Thị Thu Hương, thị trấn đã rà soát, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động các gia đình tự giác giải tỏa công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ kênh Tây. Sau 1 tháng ra quân thực hiện kế hoạch, 76 gia đình trên địa bàn thị trấn đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, trong đó có 36 cây cầu làm bằng bê tông, sắt thép bắc qua kênh Tây. Hiện tại, tuyến kênh này đã thông thoáng dòng chảy. Huyện có mặt bằng triển khai dự án cải tạo, chỉnh trang hai bờ tuyến kênh...
Còn theo Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Văn Hoàn, mặc dù UBND huyện và UBND xã đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động, đối thoại, nhưng gia đình ông Nguyễn Xuân Trí không tự giác tháo dỡ công trình trên kênh tiêu 71. Ngày 1-12 vừa qua, UBND huyện Thường Tín buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, hoàn thành công tác giải tỏa vi phạm...
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ đầu năm 2023 đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thường Tín đã giải tỏa được 80 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi trên các tuyến kênh lớn. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, các địa phương tiếp tục hoàn thành giải tỏa 15 vụ vi phạm lớn...
Song hành công tác xử lý, giải tỏa công trình vi phạm, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương quan tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi. Thực tế, kết thúc chiến dịch làm thủy lợi năm 2022-2023, huyện Thường Tín đã đầu tư 13,5 tỷ đồng sửa chữa 5 trạm bơm; nạo vét 10.355m3 bùn đất tại các tuyến kênh, cửa hút, bể xả; cứng hóa 3.248m kênh mương... Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã huy động được 4,5 tỷ đồng để nạo vét 90.349m3 bùn đất trên các tuyến kênh... Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ huy động 5,28 tỷ đồng triển khai 15 dự án sửa chữa máy bơm, nạo vét 13.290m3 bùn đất trên các tuyến kênh dẫn, cửa hút trạm bơm. Triển khai chiến dịch làm thủy lợi nội đồng năm 2023-2024, các xã, thị trấn của huyện Thường Tín đang phấn đấu nạo vét 92.500m3 bùn đất...