Bình đẳng giới là chìa khóa xóa bỏ bạo lực
Thông điệp này được khẳng định tại Chương trình Tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức chiều 4-12, tại Hà Nội.
Chia sẻ tại chương trình, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Ngô Diệu Linh nhấn mạnh: Với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình truyền thông riêng về bình đẳng giới. Bên cạnh việc xây dựng khung khổ pháp luật quốc gia về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, bao gồm các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới thì công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng, cần thiết và cấp thiết.
Khẳng định thông điệp “Bình đẳng giới là chìa khóa xóa bỏ bạo lực”, bà Ngô Diệu Linh cho biết: Mục tiêu của hoạt động truyền thông về bình đẳng giới là phấn đấu số dân được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới đạt 60% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
Từ năm 2025 trở đi, 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới.
Từ năm 2025 trở đi, 100% xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 4 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở; duy trì đạt 100% đài phát thanh và đài truyền hình ở Trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới hằng tháng.
Trao đổi với các học viên, chuyên gia tâm lý Mia Nguyễn (Văn phòng tâm lý Ladies of Viet Nam) nêu lên một số điểm nhấn cho thấy bước tiến trong hoạt động bình đẳng giới tại Việt Nam thời gian qua.
Cụ thể, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2023, Việt Nam được xếp vị trí thứ 72/146 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới, tăng 11 bậc so với 2022, tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%. Những thành tựu đáng kể mà Việt Nam đạt được là có khung pháp lý vững chắc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao (70%), tỷ lệ nữ trong Quốc hội (30,26%) so với 25,5% toàn cầu…
Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ đã từng bị chồng hoặc bạn tình bạo hành cao (62,9%), nhưng tỷ lệ tìm kiếm sự giúp đỡ thấp (90,4% không tìm sự giúp đỡ nào). Đáng chú ý, tình trạng bạo lực với phụ nữ cao hơn trong các nhóm khuyết tật, sống ở vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó, hiện nay, đã xuất hiện các hình thức bạo lực trực tuyến mới. Một hạn chế nữa, đó là vẫn tồn tại tình trạng lựa chọn giới tính và cưỡng bức phá thai…
Trong khuôn khổ chương trình, các học viên đã cùng lắng nghe, trao đổi xung quanh một số nội dung trọng tâm về bình đẳng giới với sự tham gia của các diễn giả thuộc Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các chuyên gia tâm lý, cán bộ truyền thông và vận động chính sách của UN Women.