Văn nghệ

19 công trình được tặng thưởng về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2022

An Nhi 04/12/2023 - 17:21

Ban Bí thư giao Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức xét tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022.

Chiều 4-12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương họp báo về ba hoạt động: Lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022; hội thảo khoa học toàn quốc “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo”; và kỳ họp thứ tư (nhiệm kỳ 2021-2026) của Hội đồng.

img_6346.jpg
Họp báo thông tin về các hoạt động của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương.

Năm 2022 (lần thứ 9 xét tặng thưởng), có 87 tác phẩm, gồm 35 cuốn sách, 2 chương trình truyền hình và 50 bài viết được các cơ quan, đơn vị gửi đề nghị Hội đồng xét tặng thưởng.

Kết quả, có 19 tác phẩm được tặng thưởng, gồm 1 tác phẩm (sách) đạt mức A; 4 tác phẩm (3 cuốn sách, 1 chương trình) đạt mức B; 10 tác phẩm (8 cuốn sách, 2 bài/cụm bài viết) đạt mức C; 4 tác phẩm (3 cuốn sách, 1 chương trình) đạt mức Khuyến khích.

Lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022 được tổ chức lúc 20h ngày 6-12, tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội); truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 (Đài Truyền hình Việt Nam).

Về hội thảo khoa học toàn quốc “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo”, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương thông tin, hội thảo hướng tới những mục tiêu khảo sát, phân tích, đánh giá, làm rõ những vấn đề cơ bản về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong tiến trình xây dựng, phát triển lý luận, phê bình văn nghệ nước ta.

Cùng với đó là quá trình giao lưu, tiếp biến lý luận văn nghệ nước ngoài và những vấn đề đặt ra trong quá trình giao lưu, tiếp nhận đã và cần được giải quyết; quá trình kế thừa và cách tân lý luận văn nghệ của dân tộc trong tiến trình xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam; thành tựu và hạn chế của lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất.

Hội thảo cũng đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể trong việc xây dựng, phát triển lý luận, phê bình văn nghệ thời kỳ tới.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 100 bài tham luận của các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật công tác ở các cơ quan trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu; các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ; các văn nghệ sĩ, các hội văn học, nghệ thuật trung ương và địa phương. Dự kiến, hội thảo sẽ tổ chức vào ngày 12-12 tại Hà Nội.

Tại họp báo, Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng thông tin, kỳ họp thứ tư (nhiệm kỳ 2021-2026) của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương diễn ra trong tháng 12.

Kỳ họp sẽ tập trung thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023; cho ý kiến về các nhiệm vụ của Hội đồng dự kiến triển khai trong năm 2024. Trong đó tập trung vào việc xây dựng đề xuất và thực hiện Chương trình tổng kết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất; nghiên cứu tổng kết thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập; thực hiện Chương trình xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam (giai đoạn 2)…