Doanh nghiệp phải cải thiện nhiều yếu tố để đón nhận "dòng vốn xanh"
Trong bối cảnh Việt Nam cần lượng vốn lớn đầu tư vào năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, xử lý chất thải… việc tìm các giải pháp mở rộng tín dụng xanh có ý nghĩa quan trọng.
Sáng 4-12, tại hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh” do Báo Đầu tư tổ chức, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho hay, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát thải ròng bằng 0 trong giai đoạn 2021-2050, Việt Nam cần huy động thêm 144 tỷ USD ngoài nguồn ngân sách nhà nước, tương đương với 2,2% GDP.
Việc huy động nguồn lực lớn như vậy là một bài toán không đơn giản. Và tài chính xanh là một trong những lời giải.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, đến ngày 30-9-2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong số 12 lĩnh vực xanh, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Chia sẻ về nhu cầu và khả năng đáp ứng vốn cho doanh nghiệp, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, tính đến ngày 31-10-2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt hơn 12.098 tỷ đồng, với gần 42 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực lâm nghiệp bền vững khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghiệp...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguồn vốn xanh đầy tiềm năng này vẫn chưa hoàn toàn được khơi thông. Một nguồn lực lớn vẫn đang nằm trong các ngân hàng và từ các đối tác bên ngoài.
Là cầu nối dẫn vốn xanh vào thị trường Việt Nam với quy mô lên tới 2 tỷ USD, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhìn nhận, nhu cầu vốn tín dụng xanh rất lớn, vừa là xu hướng vừa là vấn đề sống còn với nhiều doanh nghiệp khi gia nhập thị trường quốc tế.
“Để đón nhận dòng vốn xanh, doanh nghiệp phải cải thiện nhiều yếu tố, nhất là việc đáp ứng các quy chuẩn của thị trường tín dụng quốc tế. Khi xem xét dự án của khách hàng, ngoài tiêu chuẩn tín dụng xanh nghiêm ngặt, chúng tôi còn xem xét tham vọng và sự nghiêm túc của doanh nghiệp đối với dự án xanh nói riêng cũng như phát triển bền vững nói chung”, bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc khối khách hàng doanh nghiệp lớn HSBC Việt Nam nêu.
Về giải pháp tổng quan, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho hay, ngành Ngân hàng sẽ định hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị về việc cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tương thích với thông lệ, chuẩn mực quốc tế để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch.
Ngoài ra, cũng cần hoàn thiện khuôn khổ luật lệ cho các ngành kinh tế xanh nói chung và phát triển thị trường tài chính thông thường để tạo nền tảng cho tài chính xanh. Các khuôn khổ này có thể bao gồm yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện báo cáo bắt buộc tự đánh giá tác động của mình đến các tiêu chí xanh.
Được hiểu là những khoản tín dụng nhằm hỗ trợ các dự án sản xuất, kinh doanh không hoặc ít gây rủi ro tới môi trường, tín dụng xanh ngày càng được quan tâm trên thế giới, trở thành một xu thế được đẩy mạnh, mang đến nguồn lực bổ sung lớn cho tăng trưởng xanh.
Tại Việt Nam, tín dụng xanh tăng bình quân khoảng 23% trong giai đoạn 2017- 2022, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.