Dự án Trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu:Áp dụng chính sách đặc thù, bảo đảm quyền lợi tối ưu cho các hộ dân
Dự án Trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu là dự án đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất là vì mục đích an ninh và vì lợi ích quốc gia. Trong quá trình triển khai dự án Trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu, các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã áp dụng đúng quy định của pháp luật. Đáng chú ý, dự án còn có các chính sách đặc thù để bảo đảm quyền lợi của các hộ dân.
Áp dụng chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân
Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được Liên Xô viện trợ, xây dựng từ năm 1976. Mặc dù đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa nhiều lần nhưng đến nay đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu. Trong khi đó, trụ sở Bộ Công an tại số 47 Phạm Văn Đồng đã đưa vào sử dụng vào năm 2010 nhưng phần lớn diện tích tại đây phải chuyển đổi công năng sử dụng để phục vụ xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng, mở rộng trụ sở Bộ Công an với vai trò là trung tâm chỉ huy, chỉ đạo, điều hành toàn diện, mọi mặt công tác Công an, là biểu tượng sức mạnh chiến đấu của lực lượng Công an Nhân dân, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...
Dự án Trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu là dự án đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trong đó GPMB, thu hồi đất là vì mục đích an ninh và vì lợi ích quốc gia được quy định tại Điều 61, 62 Luật Đất đai năm 2013. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, thành phố Hà Nội tại Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 9-5-2023. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, tại Quyết định số 4180/QĐ-BCA-H02 ngày 15-6-2023. Trong quá trình triển khai, các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được áp dụng theo đúng quy định của pháp luật. Đáng chú ý, dự án còn có các chính sách đặc thù được UBND thành phố quan tâm, phê duyệt để bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân.
Cụ thể, với các dự án khác, người dân được tái định cư bằng căn hộ tại quỹ nhà do thành phố bố trí. Với dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, người dân thuộc diện phải di dời được bố trí tái định cư bằng đất ở tại khu đất tái định cư thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Khu đất có diện tích 32.695m2 (trong đó có 9.894,56m2) quy hoạch đất ở, còn lại là quy hoạch đường giao thông, bãi đỗ xe, cây xanh. Khu đất này cũng đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, vỉa hè, cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước... trước là để đấu giá, sau đó được chuyển đổi tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án.
Thêm vào đó, diện tích tái định cư theo quy định tối thiểu là 40m2. Tuy nhiên, dự án đã được UBND thành phố chấp thuận cơ cấu diện tích tái định cư thấp nhất là 56m2 để bảo đảm nguyên tắc nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Ngoài ra, UBND thành phố cũng chấp thuận chính sách tái định cư bằng nhà ở chung cư hoặc nhận tiền tự lo tái định cư để người dân có nhiều phương án lựa chọn.
Khi người dân di chuyển, UBND thành phố cũng sẽ bố trí quỹ nhà tạm cư tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, bảo đảm điều kiện sinh sống cho người dân, thời gian sử dụng trong một năm và người dân không phải trả khoản tiền thuê nhà.
HĐND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết đưa dự án Trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêuvào danh mục công trình trọng điểm của thành phố, mức thưởng tiến độ đối với dự án là từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/chủ sử dụng. Trong khi đó, với các dự án khác chỉ từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/chủ sử dụng.
Đồng thuận ủng hộ lợi ích chung
Theo Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm Nguyễn An Tuyến, đến thời điểm hiện tại, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm đã có 32/59 hộ dân chấp hành di chuyển và bàn giao mặt bằng. Việc bồi thường, hỗ trợ GPMB thực hiện theo quy định pháp luật và được UBND thành phố chấp thuận, không thay đổi cơ chế chính sách. Tất cả các văn bản, quy định, thông báo, thông tin dự án, các bước thực hiện công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đều được thực hiện công khai, niêm yết minh bạch theo đúng quy định, trình tự của pháp luật. UBND quận Hoàn Kiếm cũng thường xuyên chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm, UBND phường Cửa Nam tiếp nhận, lắng nghe, đối thoại, giải đáp vấn đề người dân quan tâm, tâm tư nguyện vọng của người dân...
Mặc dù phải rời xa nơi đã sinh sống, gắn bó từ nhiều năm, song nhiều hộ dân đã sẵn sàng bàn giao mặt bằng phục vụ dự án. Đang sở hữu căn hộ hơn 20m2 tại 151 Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, gia đình ông Ngô Văn Chương nhận được 3,8 tỷ đồng, trong khi giá thị trường căn hộ bán chỉ được khoảng 1,5 tỷ đồng.
Ông Ngô Văn Chương cho biết, với khoản tiền đền bù của Nhà nước, gia đình tôi mua được đất tái định cư tại Mai Lâm, Đông Anh, và vẫn còn dư một khoản gửi tiết kiệm. “Không ai muốn phải rời xa nơi mình đang sinh sống, buôn bán ổn định. Nhưng việc bàn giao mặt bằng vì lợi ích cộng đồng, quốc gia và mức hỗ trợ GPMB của Nhà nước lại hài hòa với lợi ích của nhân dân nên rất nhiều hộ dân thuộc diện GPBM đã đồng thuận, ủng hộ lợi ích quốc gia”
Cùng với ông Ngô Văn Chương, nhiều hộ dân tại 151 Lê Duẩn cũng phấn khởi khi được tái định cư tại Mai Lâm, huyện Đông Anh. Bởi theo đánh giá của các hộ dân, khu đất tái định cư phục vụ dự án Trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu có vị trí thuận lợi, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch. Đặc biệt, huyện Đông Anh cũng đang trong quá trình hoàn thiện những bước cuối cùng để xây dựng huyện thành quận theo chủ trương của thành phố. Chính vì vậy, khu đất tái định cư tới đây sẽ phát triển thành một đô thị văn minh, hiện đại.
Bàn giao căn nhà tập thể theo đúng quy định, ông Chu Văn Chúc (Tập thể 151 Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ sự phấn khởi khi cơ quan chức năng hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân. “Dự án Trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu được Nhà nước xác định là dự án trọng điểm. Chính vì vậy, các chính sách đặc thù theo hướng có lợi cho nhân dân đã được Nhà nước áp dụng. Việc áp dụng tái định cư bằng đất tại Mai Lâm, Đông Anh, nơi trong tương lai gần sẽ là một trong những quận của Thủ đô khiến người dân an tâm và phấn khởi. Chúng tôi đồng tình, ủng hộ, nhất trí cao vì quyền lợi đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã được áp dụng theo hướng có lợi nhất cho người dân”.
Thực tế cho thấy, đến nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với 25/59 hộ dân thuộc diện GPMB phục vụ dự án. Trong đó, đã chi trả tiền bồi thường hỗ trợ đối với 20/24 hộ. Với các hộ dân còn lại, các tổ công tác liên ngành đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, ủng hộ triển khai dự án đầu tư công trọng điểm quốc gia.
Được biết, Trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu là dự án vì mục đích an ninh và vì lợi ích quốc gia, trong trường hợp hộ dân không đồng thuận, vẫn cố tình không chấp hành di chuyển, bàn giao mặt bằng, sau khi đủ thời gian 180 ngày theo quy định (26-12-2023), UBND quận Hoàn Kiếm sẽ ban hành Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và tiến hành biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật Đất đai năm 2013. Theo quy định hiện hành, khi bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất, các hộ dân sẽ phải di chuyển về quỹ nhà cưỡng chế tại Xuân Nộn, Đông Anh do Sở Xây dựng Hà Nội bố trí và các khoản tiền bồi thường chi phí di chuyển, thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng sẽ không được áp dụng.