Lấy chữ "Liêm" làm đầu
Trước khi muốn trở thành người cán bộ giỏi, chúng ta hãy rèn luyện để thực sự là một công dân tốt. Và để trở thành người “công bộc” được dân tin yêu thì phải không ngừng tự rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, trong đó cần "lấy chữ Liêm làm đầu".
1. Sự việc ông Lưu Bình Nhưỡng bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc để điều tra về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" (quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự) đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng là quá trình điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (thường gọi là Cường “quắt”, có 3 tiền án, trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) về tội "Cưỡng đoạt tài sản".
Nhiều người cảm thấy khó hiểu, bởi ông Lưu Bình Nhưỡng có trình độ tiến sĩ Luật Kinh tế, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm sao lại có mối quan hệ với giới “xã hội đen”? Giải đáp một phần cho băn khoăn này, tại cuộc họp thông báo kết quả cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chiều 22-11, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nêu rõ, vụ án này được cơ quan chức năng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, theo đúng thẩm quyền.
Thực tế, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, vi phạm có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước. Nhiều vụ trong số này gây bức xúc trong nhân dân. Điển hình là những vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Chỉ tính riêng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan, cơ quan công an đã mở rộng điều tra, khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can, trong đó có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương. Trong đó, các thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra dù ít, dù nhiều đều có nhận tiền, nhận quà; Trưởng đoàn thanh tra nhận hơn 5 triệu USD.
2. Trở lại câu chuyện của ông Lưu Bình Nhưỡng, theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, những đóng góp tốt thì chúng ta phải ghi nhận, nhưng những vi phạm cũng phải xử lý. Còn về vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, đồng chí Nguyễn Văn Yên cho biết, đến thời điểm này, số tiền nhận hối lộ trên 5 triệu USD là vụ nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay.
Hai vụ việc trên cho thấy, việc xử lý vi phạm không có vùng cấm, dù là ai đều phải sống và làm theo pháp luật. Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, điều đáng buồn nhất là những cán bộ thanh tra, kiểm tra đã bị đồng tiền che mắt để làm ngơ, bỏ qua những vi phạm nghiêm trọng tại ngân hàng này. Những việc họ đã làm không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới uy tín tổ chức, cá nhân mà còn làm giảm niềm tin của nhân dân vào bộ máy công quyền. Chính họ, vì thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, đã đánh mất “Liêm” của người cán bộ - điều mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn tự răn mình.
Theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư" là gốc của người cách mạng luôn phấn đấu, hy sinh vì nước, vì dân. Trong đó, theo Người, “Liêm” là trong sạch, không tham lam, không tham địa vị, tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Người có đức “Liêm” là người liêm sỉ, biết phải trái, đúng sai và biết hổ thẹn khi làm điều xấu; đồng thời, biết tự răn mình để tránh điều xấu. Trái ngược với “Liêm” là “Bất liêm” - tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu”.
Lấy chữ "Liêm" làm đầu, người cán bộ, đảng viên sẽ nhận thức rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình đối với Đảng, với nước, với dân. Đó là sự hy sinh, phấn đấu vô điều kiện cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân. Điểm chung của đạo đức người cán bộ, đảng viên là vậy, thường xuyên phải tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững bản lĩnh, thể hiện trong công tác, đời sống và mọi mối quan hệ hằng ngày. Để hội tụ và cụ thể những chuẩn mực đạo đức giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu, rèn luyện có hiệu quả, cần khái quát ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, ở những điểm chính sau: Trung thành với lý tưởng; liêm chính trong công việc; gương mẫu trước nhân dân; cần kiệm trong lối sống; kỷ cương luôn coi trọng; đoàn kết thật chân thành. Đó là những nội dung cơ bản, cốt lõi về chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên ở mọi giai đoạn cách mạng. Mỗi chúng ta, chỉ khi có được những phẩm chất đó, mới xứng danh là cán bộ, đảng viên. Ngược lại, nếu không có được những phẩm chất đó một cách thực chất, chỉ hình thức, hời hợt, trá hình, giả tạo… thì không xứng đáng, không thể là cán bộ, đảng viên chân chính.
Trước khi muốn trở thành người cán bộ giỏi, chúng ta hãy rèn luyện để thực sự là một công dân tốt. Và để trở thành người “công bộc” được dân tin yêu thì phải không ngừng tự rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, trong đó cần "lấy chữ Liêm làm đầu".