Thành phố Hồ Chí Minh: 7 hoạt động y tế nổi bật hướng về cơ sở năm 2023
Ngày 3-12, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh công bố 7 sự kiện nổi bật trong năm 2023 với chủ đề "Hành động vì y tế cơ sở".
Một là, thực hiện thành công Chương trình Thí điểm thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế dành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp. Hơn 300 bác sĩ mới tốt nghiệp đã về trạm y tế từ tháng 2-2022, với sự quản lý, hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện tuyến thành phố. Thời gian làm việc tại cơ sở cũng được tính là thời gian thực hành tại bệnh viện đa khoa (theo quy định trước đây), giúp các bác sĩ trẻ hoàn thành thời gian thực tập, được xét cấp chứng chỉ hành nghề.
Hai là, lần đầu tiên, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công “Ngày hội việc làm” dành cho các bác sĩ trẻ vừa hoàn thành chương trình thí điểm thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế. Lần đầu tiên, hệ thống y tế cơ sở của thành phố đã tiếp nhận được 57 bác sĩ trẻ có chứng chỉ hành nghề. Trong Ngày hội việc làm, có 51 cơ sở đã tuyển được bác sĩ theo đúng vị trí việc làm mà đơn vị cần bổ sung.
Ba là, Chương trình tình nguyện luân phiên có thời hạn các bác sĩ trẻ đang công tác tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố đến công tác tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đây là trạm y tế ở xã đảo duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế bảo đảm cung ứng đầy đủ các cơ số thuốc cần thiết cho Trạm Y tế. Các bệnh viện viện đa khoa, chuyên khoa kết nối và hỗ trợ tư vấn, hội chẩn với các bác sĩ cơ sở từ xa, đảm bảo hoạt động 24/7.
Bốn là, lần đầu tiên trên cả nước, một trạm y tế cấp xã được trang bị hệ thống y tế thông minh. Đó là Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, được trang bị bộ máy X-quang tích hợp trí tuệ nhân tạo, do bác sĩ Việt Nam lập trình. Máy có thể đọc chính xác 95 tổn thương bệnh lý của người bệnh để chẩn đoán và đưa phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Năm là, hoạt động kết nối, tư vấn từ xa của các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố đến các bác sĩ đang khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế và cả người dân tại các trạm y tế chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Các hoạt động này thực hiện thông qua ứng dụng "apps hội chẩn" trên điện thoại thông minh, giúp dễ dàng trao đổi, chẩn đoán bệnh; giúp củng cố và xây dựng lòng tin của người dân với y tế cơ sở.
Sáu là, phát huy hiệu quả của mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện đặt tại trạm y tế mang lại sự hài lòng cho người dân. Đây là giải pháp mang tính sáng tạo của ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh, nhằm giải quyết nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân ở những nơi cách xa trung tâm như: Huyện Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi… và sắp tới là huyện Cần Giờ.
Bảy là, hướng đến lập hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân từ lúc mới sinh ra, trẻ em, vị thành niên, phụ nữ mang thai, người cao tuổi. Lần đầu tiên, mô hình sức khỏe của người cao tuổi đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh đã bước đầu được nhận diện. Đứng đầu là tăng huyết áp (chiếm tỷ lệ 52,27%), kế đến là đái tháo đường (15,03%), tiền sử ung thư (1,23%)... Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu tất cả người cao tuổi đều được khám sức khỏe 1 lần/năm.