Thế giới

Tranh chấp chủ quyền đảo Gibraltar giữa Anh và Tây Ban Nha: Những tín hiệu tích cực

Quỳnh Dương 03/12/2023 - 07:02

Tranh cãi kéo dài giữa Anh và Tây Ban Nha liên quan tới đảo Gibraltar đã có những tín hiệu tích cực khi hai bên xác nhận đang tiến gần tới một thỏa thuận chung. Văn bản này sẽ giúp bổ sung một chương mới cho câu chuyện lịch sử ở mũi phía Nam của bán đảo Iberia thời kỳ sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là hậu Brexit.

dao-gibraltar-co-vi-tri-chi.jpg
Đảo Gibraltar có vị trí chiến lược quan trọng tại Địa Trung Hải.

Chi tiết của thỏa thuận đang tiếp tục được hai nước bàn thảo sau cuộc gặp đầy thiện chí giữa Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares và người đồng cấp Anh David Cameron vào cuối tháng 11-2023 vừa qua. Dù nội dung trao đổi giữa hai bên chưa được công bố, song những đề xuất do Tây Ban Nha đưa ra được đánh giá là mang đến sự cân bằng hài hòa cho cả hai phía, thể hiện nỗ lực hợp tác nhằm tìm kiếm một cam kết ngoại giao lâu dài, giải quyết các mối lo ngại chung có thể ảnh hưởng tới quan hệ song phương.

Theo Ngoại trưởng Jose Manuel Albares, thỏa thuận sẽ tập trung vào thương mại, nhập cư và di chuyển người lao động đến và đi từ Tây Ban Nha. Ngoài ra, các kế hoạch biến Campo de Gibraltar - khu vực của Tây Ban Nha xung quanh Gibraltar - thành một “khu vực thịnh vượng chung” sẽ loại bỏ hàng rào biên giới để cho phép người và hàng hóa di chuyển giữa lãnh thổ hai nước cũng như khu vực EU. Nói một cách khác, mục đích của thỏa thuận là nhằm thiết lập một khuôn khổ pháp lý mới thời hậu Brexit để đặt nền móng cho mối quan hệ ổn định giữa một bên là Tây Ban Nha và EU, bên khác là lãnh thổ Gibraltar thông qua Anh.

Theo Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha, thỏa thuận sẽ cho phép Tây Ban Nha sử dụng Hiệp ước đi lại tự do Schengen để kiểm soát biên giới bên ngoài của Gibraltar; bảo vệ và cải thiện quyền của người lao động xuyên biên giới và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa tự do mà không làm tăng rủi ro cho thị trường nội bộ EU. Về khía cạnh an ninh, thỏa thuận sẽ bao gồm các bước chống rửa tiền, bảo đảm các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và an toàn hạt nhân. Chính quyền Tây Ban Nha mong muốn bảo vệ lợi ích và quyền lợi của công dân, đặc biệt là 270.000 người sống ở Campo de Gibraltar. Tuy nhiên, chủ quyền của Anh đối với Gibraltar không thay đổi.

Ngược dòng lịch sử, câu chuyện về Gibraltar đã trở thành “cái gai” trong quan hệ giữa Anh và Tây Ban Nha trải qua nhiều thế kỷ. Nguồn gốc của vấn đề bắt đầu từ năm 1713, khi Tây Ban Nha nhượng lãnh thổ cho Anh theo Hiệp ước Utrecht. Tuy nhiên, sau đó, xứ sở Bò tót liên tục yêu cầu trả lại chủ quyền hòn đảo chiến lược này.

Nằm bên eo biển Gibraltar, giáp Tây Ban Nha về phía Bắc, trước kia, đảo Gibraltar là một căn cứ quân sự quan trọng của lực lượng vũ trang và Hải quân Hoàng gia Anh. Căn cứ này giúp quan sát tốt cửa ngõ vào Trung Đông, châu Phi và vùng Địa Trung Hải, nơi một phần lớn dầu và khí đốt cung cấp cho Tây Âu được vận chuyển qua đây. Với vị trí đắc địa như vậy, quốc gia nào nắm giữ chủ quyền vùng lãnh thổ này sẽ sở hữu nhiều lợi ích về an ninh.

Trong khi đó, Tây Ban Nha luôn để mắt đến tầm quan trọng chiến lược của Gibraltar và phải kiểm soát, nếu không vùng đất nằm ở cực Bắc có thể trở thành mối đe dọa đối với chính quốc gia này, đặc biệt là khi người dân Gibraltar không mấy thiện cảm với Tây Ban Nha và đã hai lần từ chối qua các cuộc trưng cầu ý dân việc trở về dưới sự quản lý của nước này.

Trên thực tế, tranh cãi giữa Anh và Tây Ban Nha về hòn đảo Gibraltar đã “hạ nhiệt” rất nhiều khi hai nước trở thành thành viên của EU. Câu chuyện “nóng” trở lại khi Anh rời khỏi EU (Brexit) vào năm 2020, làm dấy lên câu hỏi về cơ chế tồn tại của hòn đảo trong bối cảnh hơn 95% người dân không đồng ý “theo chân” London. Để giảm bớt căng thẳng, chỉ ít giờ trước khi Anh hoàn toàn rời khỏi khối vào ngày 31-12-2020, Tây Ban Nha, Anh và EU đã đạt được thỏa thuận rằng, Gibraltar sẽ vẫn là một phần các thỏa thuận của EU, chẳng hạn như khu vực đi lại tự do Schengen. Tạm thời, Tây Ban Nha kiểm soát cảng và sân bay để chờ giải pháp lâu dài.

Theo đánh giá của các nhà bình luận quốc tế, sự cân bằng trong việc bảo tồn bối cảnh lịch sử của Gibraltar và thực tế hiện tại cũng như tương lai là một thách thức đòi hỏi các giải pháp tinh tế. Nếu thành công, thỏa thuận giữa Anh và Tây Ban Nha về hòn đảo này sẽ là một dấu mốc thắng lợi của ngoại giao và thỏa hiệp, tạo tiền lệ cho việc giải quyết các tranh chấp khác trên thế giới thông qua đối thoại và hợp tác.