Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương: Hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao nhất
Còn một tháng nữa là kết thúc năm 2023. Dù nước ta phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) vẫn đạt kết quả tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý III-2023 tăng trưởng đạt 5,33%, cao nhất so với 2 quý đầu năm - quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%). Dự báo kinh tế cả quý IV-2023 sẽ khởi sắc hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, từ nay đến cuối năm là thời điểm nước rút để hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao nhất...
Xu hướng phục hồi
- Xin bà cho biết những điểm đáng chú ý về tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng của năm 2023?
- Sản xuất công nghiệp tháng 11-2023 tăng trưởng tích cực hơn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 3% so với tháng 10 và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, IIP 11 tháng năm 2023 chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022, thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2017-2022 do đơn hàng sản xuất giảm, chi phí đầu vào tăng cao...
Tình hình kinh doanh tiếp tục có những tín hiệu tích cực. Trong đó, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 11 tháng gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã xuất siêu 25,83 tỷ USD giá trị hàng hóa (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD). Tuy nhiên, xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục đối mặt với khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022 do xuất khẩu sang một số thị trường chủ yếu giảm mạnh; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng giảm 10,7%...
Đáng ghi nhận là khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng cao trong bối cảnh thị trường du lịch toàn cầu phục hồi tích cực. Cụ thể, 11 tháng của năm 2023 có 11,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ.
Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2023 ước đạt 75% kế hoạch, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của bộ, ngành và địa phương và góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
- Còn đầu tư nước ngoài, đây có phải là điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2023, thưa bà?
- Đúng vậy. Thu hút đầu tư nước ngoài khả quan cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế nước ta. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới và vốn thực hiện của 11 tháng năm 2023 đạt lần lượt là 26,4 tỷ USD và 20,3 tỷ USD - mức cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2019-2023. Thêm vào đó, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 3,22%, tức thấp hơn mục tiêu 4,5% của năm 2023.
- Vậy bà đánh giá thế nào về xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế?
- Tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước. Quý III-2023 tăng trưởng đạt 5,33%, cao nhất so với 2 quý đầu năm (quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,05%). Dự báo kinh tế cả quý IV-2023 sẽ khởi sắc hơn khi sản xuất công nghiệp trong tháng 12 khả quan hơn. Hoạt động xuất, nhập khẩu đang phục hồi dần từ tháng 9 và sẽ tăng trưởng tích cực trong dịp cuối năm do số lượng đơn hàng đang gia tăng… Bên cạnh đó, tổng cầu sẽ được cải thiện do nhu cầu tiêu dùng nội địa và lượng khách quốc tế thường gia tăng trong dịp cuối năm. Cầu đầu tư tiếp tục được hỗ trợ lớn từ đầu tư công đang được tích cực giải ngân nhiều hơn.
- Bà nhận định thế nào về khả năng tăng trưởng kinh tế của cả năm 2023?
- Tổng cục Thống kê ước tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt trên 5%, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với tăng trưởng của nhiều quốc gia trong khu vực. Để đạt được mức tăng trưởng trên 5%, quý IV-2023, GDP cần tăng trên 7%. Đây là thách thức đối với nền kinh tế nhưng với sự chủ động, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực thi các giải pháp, tận dụng cơ hội từ bên ngoài và khai thác tiềm năng nội tại thì kỳ vọng trên có thể đạt được.
- Đầu tư công được coi là một động lực tăng trưởng. Theo bà, kết quả giải ngân nguồn vốn này đã đạt yêu cầu? Cần những giải pháp gì để thúc đẩy việc giải ngân?
- Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 549,1 nghìn tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Khối lượng thực hiện đầu tư công đạt được là rất lớn, tác động làm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023.
Tuy nhiên, số vốn kế hoạch cần thực hiện trong tháng 12 là rất lớn trước mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch. Vì vậy, cần sự quyết liệt và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư và nhà thầu trong thời gian còn lại của năm 2023.
Muốn vậy, các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt chỉ đạo của Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhằm tháo gỡ những vướng mắc; tập trung trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn khi thực hiện dự án, chuẩn bị mặt bằng sạch cho thi công.
Chủ động bước vào năm 2024
- Bà có thể cho biết dự báo về tình hình kinh tế năm 2024?
- Năm 2024, tình hình thế giới, khu vực dự báo sẽ còn nhiều biến động phức tạp. Kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực, song cũng đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình phục hồi. Trong nước, tăng trưởng kinh tế dự báo tích cực hơn; các động lực về đầu tư (bao gồm đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… tiếp tục được tập trung xử lý, tháo gỡ.
Tuy nhiên, với độ mở của nền kinh tế lớn, trước những bất ổn, rủi ro khó đoán định, năm 2024, dự báo kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu, thu hút đầu tư… Cơ cấu cầu thế giới thay đổi theo hướng “tiêu dùng xanh”, tạo ra thách thức không nhỏ đối với sản phẩm của Việt Nam khi tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới. Thêm vào đó là an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu…
- Vậy gợi ý về giải pháp cơ bản trong điều hành phát triển kinh tế năm 2024 là gì, thưa bà?
- Trước hết là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa, thương mại và chính sách khác. Kiểm soát chặt chẽ lạm phát, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới. Bám sát diễn biến thị trường, tình hình trong và ngoài nước để điều hành, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Đồng thời, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Theo tôi, một vấn đề quan trọng nữa là phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước. Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu xanh để thích nghi với xu hướng mới của các thị trường nhập khẩu toàn cầu.
Tiếp đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung hoàn thành các công trình lớn, trọng điểm có tính chất lan tỏa. Tiếp tục cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước để dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Cuối cùng là chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế xanh…
- Trân trọng cảm ơn bà!