Phát huy vai trò của hương ước, quy ước
Thời gian qua, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác quản lý tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.
Tại thành phố Hà Nội hiện có 4.726/5.404 thôn, tổ dân phố có quy ước, trong đó có 1.232 quy ước đã được sửa đổi, bổ sung. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần giữ gìn, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hiện vẫn có một số hương ước, quy ước có nội dung chưa đúng quy định pháp luật. Nhiều hương ước sơ sài về nội dung, sao chép, lặp lại chính sách, pháp luật, thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, thuần phong mỹ tục của địa phương. Nhiều nơi, việc xây dựng, thực hiện hương ước không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà chủ yếu là để “chạy theo bệnh thành tích”…
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 8-4-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND về “Tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025”, trong đó đề ra nhiệm vụ rà soát hệ thống hương ước, quy ước thôn, làng, tổ dân phố đã được phê duyệt; phát huy hiệu quả hương ước, quy ước trong đời sống văn hóa cơ sở, trong đó tập trung hạn chế, loại bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội, phát huy những truyền thống tốt đẹp và hình thành các giá trị văn hóa mới, tiến bộ.
Mới đây, ngày 30-11-2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Tại hội nghị, bên cạnh việc đánh giá kết quả đạt được thời gian qua, các đại biểu nêu lên những tồn tại, hạn chế trong xây dựng, ban hành và thực hiện hương ước, quy ước; đồng thời đề xuất những giải pháp khắc phục.
Việc nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là giải pháp quan trọng để xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Do đó, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục chú trọng thực hiện cả hai nội dung này với tinh thần không có điểm dừng, tương tự như xây dựng nông thôn mới, đã đạt các tiêu chí cơ bản, thì thực hiện tiêu chí nâng cao, tiêu chí kiểu mẫu.
Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước phù hợp với định hướng chung, đồng thời thể hiện được những nét riêng biệt, đặc thù của từng cộng đồng dân cư. Việc sửa đổi, bổ sung phải quan tâm đến các nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, các nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Đồng thời, hệ thống chính trị ở cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện hương ước, quy ước, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Từ đó, bảo đảm cho hương ước, quy ước phát huy vai trò là công cụ tự quản, góp phần hỗ trợ pháp luật trong điều chỉnh các mối quan hệ nội bộ của cộng đồng dân cư trước yêu cầu thực tiễn hiện nay về quản lý xã hội và thực thi pháp luật.