Hà Nội: Đưa du lịch ẩm thực thành mũi nhọn phát triển công nghiệp văn hóa
Với tinh hoa ẩm thực lâu đời, nhiều món ăn được truyền thông quốc tế đánh giá cao, Hà Nội có thể xây dựng sản phẩm du lịch foodtour hấp dẫn để phát triển công nghiệp văn hóa.
Đó là một trong những vấn đề được đưa ra tại tọa đàm “Phát huy nguồn nhân lực - phát triển văn hóa ẩm thực trên địa bàn thành phố Hà Nội” diễn ra chiều 2-12.
Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2023 tại Công viên Thống Nhất do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Tọa đàm diễn ra 2 chủ đề chính: “Đại sứ văn hóa ẩm thực Hà Nội: Chủ nhân và thực khách” và “Tinh hoa văn hóa ẩm thực Hà Nội: Hướng tới công nghiệp văn hóa”.
Theo nhận diện của các chuyên gia, ẩm thực Hà Nội từ xưa đến nay luôn có sự phong phú, đa dạng và tinh tế. Nhiều món ăn dân dã đã trở thành thương hiệu của Thủ đô như: Phở Lý Quốc Sư, phở Thìn, bún ốc hồ Tây, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, giò chả Ước Lễ, giò chả Chèm - Vẽ, xôi chè Phú Thượng…
Hà Nội cũng có những tuyến phố ẩm thực được du khách trong và ngoài nước tìm đến như: Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân, Cầu Gỗ, Cấm Chỉ, Tống Duy Tân…
Những năm gần đây, Hà Nội nhiều lần được các cơ quan truyền thông lớn, những diễn đàn du lịch danh tiếng trên thế giới vinh danh là nơi có nền ẩm thực đặc sắc hàng đầu thế giới cũng như châu lục. Đó là cơ sở để Hà Nội phát huy giá trị ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Điển hình như Giải thưởng Ẩm thực thế giới (World Culinary Awards) công bố thành phố Hà Nội giành giải Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á 2023 (Asia's Best Emerging Culinary City Destination 2023). Chuyên trang du lịch Tripadvisor bình chọn là một trong 20 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023.
Tuy nhiên, các chuyên gia ẩm thực cũng nhận định, việc khai thác ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa chưa xứng với tiềm năng và còn nhiều vấn đề đặt ra để phát huy những giá trị ẩm thực Hà thành. Trong đó có vấn đề nhân lực, cụ thể là vai trò của những nghệ nhân, những đầu bếp trong lưu giữ, trao truyền để mỗi người dân, khách du lịch hiểu được nét đẹp, thưởng thức những nét đẹp của ẩm thực Hà thành.
Tại tọa đàm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, Hà Nội cần có nhận thức trong việc định vị, xây dựng kế hoạch khai thác, đầu tư phát triển ẩm thực xứng tầm. Cụ thể, Hà Nội cân có các tuyến phố ẩm thực, tuyến phố ăn đêm trong khu vực phố cổ, phố cũ, khu đô thị; tạo dựng không gian và chuỗi các nhà hàng ẩm thực xung quanh hồ Tây.
PGS.TS Phạm Quỳnh Phương (Trưởng Bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, Khoa các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, du lịch ẩm thực là xu hướng, đặc biệt là những món ăn là di sản được truyền lại từ nhiều đời. Ẩm thực có đóng góp quan trọng vào công nghiệp văn hóa và đóng góp vào các ngành khác như thời trang, tương tác với lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp văn hóa.
Để đưa ẩm thực trở thành thế mạnh du lịch của Thủ đô, góp phần phát triển Công nghiệp Văn hóa, các chuyên gia cũng hiến kế nhiều giải pháp thiết thực. TS Đặng Phương Anh (Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) chia sẻ: Đưa ẩm thực phát triển du lịch cần phải chú ý đến không gian văn hóa, sự tương tác với chủ nhân của món ăn. Vì thế, Hà Nội nên phát triển foodtour thành sản phẩm du lịch ẩm thực đặc thù. Hà Nội cần quan tâm đến các điều kiện về hành lang pháp lý cũng như nét văn hóa riêng biệt… để tạo dấu ấn cho du khách trong nước và quốc tế.
Còn TS Phạm Mạnh Cường, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội nhấn mạnh vào việc cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ khâu đào tạo tại các trường dạy nghề. Trong đó, ngoài việc đổi mới, nâng cấp nội dung đào tạo, các cơ sở dạy nghề về ẩm thực (đầu bếp, phục vụ) cần liên kết với các doanh nghiệp du lịch để được thực hành thường xuyên.