COP28: Kêu gọi 250 tỷ USD bảo vệ rừng nhiệt đới
Tại COP28, Brazil đề xuất thành lập một quỹ toàn cầu trị giá 250 tỷ USD để tài trợ cho hoạt động bảo tồn rừng nhiệt đới tại 80 quốc gia. Kinh phí sẽ được thanh toán hằng năm dựa trên diện tích rừng được bảo tồn hoặc phục hồi.
Quỹ toàn cầu “Rừng nhiệt đới mãi mãi” được đề xuất tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), với ý tưởng trả tiền cho người dân và chủ đất giúp bảo tồn các khu vực rừng như Amazon. Theo đề xuất, nguồn tài chính ban đầu sẽ được huy động từ các quỹ đầu tư quốc gia và nhà đầu tư vào các lĩnh vực như dầu mỏ.
Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva nhận định, các chính sách hiện hành ngăn cản những người khai thác gỗ tiếp tục phá rừng nhưng không ghi nhận nỗ lực của những người tham gia bảo vệ rừng. Do đó, đề xuất kể trên được đánh giá là bước đi sáng tạo.
Phó Chủ tịch Tổ chức Bảo tồn quốc tế Brazil (CIB) Mauricio Bianco hoan nghênh việc thành lập một cơ chế tài trợ mới dành cho rừng nhiệt đới vì sẽ giúp tăng cường ứng phó khủng hoảng khí hậu, giải quyết mất mát lớn về đa dạng sinh học và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Mauricio Bianco cũng cho rằng, quỹ này cần hỗ trợ người dân bản địa và các tổ chức cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ rừng.
Đề xuất về quỹ toàn cầu trị giá 250 tỷ USD cho thấy Braizl đang nỗ lực cải thiện hình ảnh tại các cuộc đàm phán về khí hậu với mục tiêu trở thành quốc gia đi đầu về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho biết, việc các quốc gia không tuân thủ những cam kết về khí hậu đã làm xói mòn uy tín của chủ nghĩa đa phương.
“Không quốc gia nào sẽ giải quyết vấn đề của họ một mình. Tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ cùng nhau hành động. Brazil sẵn sàng đi đầu với tư cách là quốc gia hình mẫu”, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh.
Brazil là “ngôi nhà” của 60% diện tích rừng nhiệt đới Amazon nên hoạt động bảo tồn khu vực có vai trò lớn đối với những nỗ lực hạn chế sự nóng lên toàn cầu, cũng như việc bảo đảm sự tồn tại của các loài thực vật và động vật quan trọng.
Những khu rừng như Amazon và Congo ở châu Phi giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ và lưu trữ một lượng lớn khí nhà kính CO2. Nhưng chúng phần lớn nằm ở các nước quốc gia nghèo và thường xuyên bị tàn phá để khai thác gỗ giá trị cao hoặc phục vụ hoạt động khai thác mỏ.
Năm 2021, hơn 100 quốc đã gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, hứa hẹn đầu tư 19 tỷ USD cho các quỹ công và tư để bảo vệ và phục hồi rừng. Đầu năm 2023, các nhà lãnh đạo từ Amazon, lưu vực Congo và Đông Nam Á đã ký kết tuyên bố kêu gọi một cơ chế tài chính mới để cộng đồng quốc tế chi trả cho các dịch vụ lâm nghiệp quan trọng.
Trên toàn cầu, nạn phá rừng đã tăng 4% ở năm 2022 so với năm 2021. Tuy nhiên, tình trạng này đã giảm đáng kể tại những quốc gia có rừng nhiệt đới lớn như Brazil, Indonesia và Malaysia.
Số liệu thống kê cho thấy, nạn phá rừng Amazon tại Brazil đã giảm 22% trong năm 2023. Quỹ Amazon của quốc gia này đã được khôi phục hồi đầu năm với sự hỗ trợ của Đức và Na Uy.