Giáo dục bằng việc làm gương!
Cách đây hơn một tuần, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, khi đang tham quan các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, tôi và không ít người chợt giật mình khi nghe tiếng một phụ nữ quát con.
Đảo mắt tìm kiếm thì thấy một bé gái xinh xắn đang đứng trước đầu máy xe lửa phụng phịu, không muốn tạo dáng ở chỗ đông người để chụp ảnh theo sự “chỉ đạo” của người mẹ trẻ. Con khóc, mẹ quát. Một số người đi cùng nhóm với hai mẹ con thấy vậy xúm vào an ủi bé gái nhưng bị người mẹ trẻ gạt đi: “Các chị cứ để đấy để em dạy nó”. Những người chứng kiến, trong đó có cả một số du khách quốc tế, tỏ vẻ ái ngại, trao cho bé gái ánh mắt trìu mến rồi tiếp tục hành trình tham quan lễ hội của mình.
Cảm giác không hề dễ chịu. Có thể phần nào chia sẻ với mong muốn con mình có được tấm ảnh đẹp của người mẹ trẻ, nhưng sự tự tin tạo dáng, thể hiện trước đám đông không phải muốn là được, cần có sự ân cần hướng dẫn, bảo ban của người lớn. Trong bối cảnh “diễn viên chính” đang "nước mắt ngắn nước mắt dài", “nhiếp ảnh gia” thì hằm hằm bực tức, dù có “dạy bảo” thế nào thì có lẽ cũng thật khó để có được một bức ảnh đẹp.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp những cảnh tương tự ở đâu đó. Dạy dỗ trẻ em là việc không đơn giản, bởi các con chưa có đủ nhận thức, kiến thức để nhanh chóng hiểu và thực hành đúng yêu cầu của người lớn. Và khi đó, biện pháp giáo dục hiệu quả, ý nghĩa nhất chính là ý thức làm gương của người lớn trong cuộc sống hằng ngày.
Ai cũng muốn con mình ngoan ngoãn, chấp hành đúng quy định của nhà trường, Luật Giao thông đường bộ, biết giúp đỡ người khác..., thế nhưng nhiều người vì “yêu chiều” con nên đã lơ là, xao nhãng việc xây dựng, hình thành thói quen tốt đó cho con mỗi ngày. Trên mạng xã hội, thi thoảng lại xuất hiện những đoạn clip ngắn ghi lại cảnh bố mẹ cho con đứng trong xe ô tô, thò đầu ra cửa sổ trời bất chấp quy định pháp luật và những nguy hiểm có thể xảy ra với con. Với người đi xe máy, hình ảnh phụ huynh chở con mà không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông xuất hiện với tần suất cao hơn, thậm chí nhiều vị phụ huynh còn điều khiển xe chở con vượt đèn đỏ, đi ngược chiều ngay tại khu vực trường học...
Một vấn đề mà nhiều gia đình đang phải đối mặt trong cuộc sống hiện nay là con cái thường dán mắt vào điện thoại, ti vi, máy tính, đồ điện tử. Để con cái không quấy phá, ăn cơm cho nhanh, nhiều người sẵn sàng đưa cho con điện thoại, máy tính bảng thay vì chơi với con, thuyết phục, hướng dẫn con. Đó là một phần lý do khiến trẻ em không thiết tha với việc đọc sách và phụ huynh luôn than vãn không hiểu vì sao đám trẻ lười đọc sách dù họ rất quan tâm tới việc này, sẵn sàng bỏ tiền mua sách cho trẻ.
Nhà giáo dục nổi tiếng người Italia Maria Montessori (người sáng lập ra phương pháp giáo dục Montessori) có câu nói nổi tiếng: “Đừng nói với trẻ làm như thế nào. Hãy cho trẻ thấy người lớn làm như thế nào và đừng nói gì cả. Nếu bạn nói với trẻ, trẻ sẽ nhìn môi bạn chuyển động. Nếu bạn làm và chỉ cho trẻ thấy, trẻ sẽ muốn tự làm”. Ngôn ngữ, nhận thức của trẻ đơn giản hơn so với người lớn nên chúng có thể không hiểu, thực hiện không đúng mong muốn của bố mẹ. Trong bối cảnh đó, việc người lớn khuyên nhủ, động viên, làm mẫu, làm gương sẽ tạo hiệu quả hơn so với việc dạy dỗ, hướng dẫn con cái theo kiểu cưỡng bức.