Chợ cóc, chợ tạm “ăn theo” khu đô thị
Với tốc độ đô thị hóa dẫn đầu cả nước, những năm gần đây Hà Nội chứng kiến hàng trăm khu đô thị mới được hình thành, phát triển. Có một thực tế là, các khu đô thị được hình thành đến đâu, chợ cóc, chợ tạm “ăn theo” đến đó, gây mất an toàn giao thông, trật tự văn minh đô thị; mất an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường…
Khu đô thị hình thành đến đâu, chợ cóc "mọc ra" đến đó
Năm 2018, dự án Khu đô thị Goldmark City tại số 136 đường Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) được đưa vào sử dụng. Dự án gồm 8 tòa nhà cao 40 tầng, gồm khoảng 5.000 căn hộ với tổng số hơn 2 vạn cư dân sinh sống.
Tuy nhiên, dưới chân đế mỗi tòa nhà, chủ đầu tư chỉ bố trí một tầng diện tích thương mại dịch vụ, trong đó hầu hết là các siêu thị mini để phục vụ nhu cầu mua bán nhu yếu phẩm của cư dân. Do các siêu thị, cửa hàng tiện lợi này không đủ đáp ứng nhu cầu người dân, nên một khu chợ cóc cách đó vài trăm mét đã “mọc ra” ngay dưới lòng đường, thậm chí tràn cả ra mặt cống hôi thối.
Cũng ở quận Bắc Từ Liêm, xung quanh Khu đô thị Ngoại giao đoàn (phường Xuân Tảo) có khoảng 20 siêu thị, cửa hàng tiện ích và không ít các khu chợ cóc, chợ tạm. Điển hình là dãy chợ cóc kéo dài từ sau khu biệt thự trên phố Nguyễn Xuân Khoát, kéo dài sang dọc ngõ 147 đường Xuân Đỉnh. Tiếp đó là dãy chợ tạm dài hàng trăm mét ngay sau 3 tòa chung cư thuộc dự án Kosmo 161 phố Xuân La. Cách đó vài trăm mét, chợ cóc tại ngõ 38 phố Xuân La cũng ngày càng “phình” to với hàng trăm hộ kinh doanh, buôn bán.
Còn tại quận Nam Từ Liêm, ngay sau khi cư dân chuyển đến sinh sống tại Khu đô thị Vinhomes Gardenia Hàm Nghi, một khu chợ tạm đã hình thành trên phố Nguyễn Văn Giáp (phường Cầu Diễn), đối diện ngay cổng ra vào khu chung cư. Sáng sớm và chiều tối, hàng trăm mét vỉa hè, lòng đường tại đây biến thành chợ rau xanh, thịt, cá, hải sản, gia cầm…
Xây dựng, cải tạo hệ thống chợ
Toàn thành phố hiện có 453 chợ. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong đó, mục tiêu trong năm 2023 sẽ xây mới 48 chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ.
Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn chưa bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Nguyên nhân là do còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách… nên không thu hút được nguồn xã hội hóa trong đầu tư, cải tạo chợ.
Nhìn trên góc độ quy hoạch, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, khi phê duyệt dự án các khu đô thị, các nhà quản lý luôn cố gắng bảo đảm đồng bộ các yếu tố để nâng chất lượng cuộc sống của người dân. Khu đô thị nào cũng phải có hầm để xe, bãi đỗ xe, khu vui chơi, siêu thị… Trong đó, hệ thống siêu thị tại các khu đô thị phải bảo đảm cung ứng lương thực thực phẩm hàng ngày cho cư dân.
Tuy nhiên, để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong vùng và cư dân các khu đô thị, không thể thiếu chợ truyền thống, chợ dân sinh. Hầu hết các khu đô thị mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người có thu nhập cao. Nhiều khu đô thị có giá cho thuê với phần diện tích thương mại dịch vụ chưa hợp lý dẫn đến việc hình thành mô hình chợ tự phát xung quanh.
Nhiều khu đô thị còn hình thành “chợ online” ngay trong cộng đồng cư dân; một số người dân biến nhà ở của mình thành chợ đáp ứng nhu cầu mua bán tại chỗ. Hệ thống chợ dân sinh tại nhiều địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân dẫn đến phát triển các tụ điểm chợ cóc ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...
Từ góc độ quản lý địa phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm Hoàng Minh Hải cho rằng, trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô nói chung và định hướng xây dựng các khu đô thị nói riêng, thành phố xác định không phát triển các chợ dân sinh mà định hướng xây dựng chợ truyền thống thành các trung tâm thương mại. Có một nghịch lý hiện nay là các chợ truyền thống tập trung thường vắng khách, trong khi các chợ cóc, chợ tạm thường rất đông. Rõ ràng, đây là thói quen lâu đời của người dân, khi sự thuận tiện trong mua sắm được ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, xây dựng chợ truyền thống hoặc các trung tâm thương mại cần bố trí quỹ đất, địa điểm phù hợp, bảo đảm nhiều yếu tố về giao thông, phòng cháy chữa cháy… nên không thể “cơ động” như chợ cóc, chợ tạm.
Để quy hoạch chợ đạt được mục tiêu đề ra, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, thành phố nên khuyến khích các địa phương sử dụng ngân sách để đầu tư xây dựng chợ dân sinh tại địa phương mình. Địa phương nào khó khăn về ngân sách đầu tư cần sớm báo cáo thành phố để có phương án tháo gỡ.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chủ động rà soát, xây dựng chính sách ưu tiên, đồng bộ để thu hút các nguồn lực tham gia xây dựng, cải tạo chợ theo hướng chú trọng đến mọi tầng lớp, đặc biệt người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.