Khoảng cách nhà ở xã hội - thương mại: Cần sớm thu hẹp
Giải pháp để không còn chênh lệch giữa người sử dụng nhà ở thương mại với nhà ở xã hội là nội dung được các nhà quản lý, chuyên gia tập trung thảo luận tại Tọa đàm “Quy hoạch, kiến trúc nhà ở xã hội hiện tại và tương lai” do Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức chiều 1-12.
Nhiều tồn tại về quy hoạch, kiến trúc nhà ở xã hội
Theo TS.KTS Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, sau khi thành phố ban hành Quyết định 123/2001/QĐ-UB ngày 6-12-2001 quy định chủ đầu tư các dự án khu nhà ở, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất ở (hoặc 30% quỹ nhà ở) để bổ sung vào quỹ nhà ở xã hội thì thành phố đã có quỹ đất thoả đáng dành cho loại hình nhà ở này.
Từ năm 2015, trong giai đoạn đầu phát triển nhà ở xã hội, do hạn chế về kinh phí nên chất lượng căn hộ sau một số năm sử dụng đã xuống cấp. Đặc biệt, quá trình triển khai các dự án gần như không có sự đầu tư, tìm tòi thoả đáng về hình thái kiến trúc, bảo đảm tiện nghi tối thiểu cho không gian ở.
“Chúng ta vẫn loay hoay với việc làm thế nào để trong diện tích nhỏ hẹp của các căn hộ, đời sống của người dân sẽ tốt đẹp hơn... Nhìn lại các dự án nhà ở xã hội trong thời gian qua, từ các chính sách tổng thể đến các vấn đề quy hoạch, kiến trúc đều còn nhiều vấn đề tồn tại”, ông Hải thẳng thắn nêu.
Từ kinh nghiệm của đơn vị tư vấn đã và đang thực hiện 17 dự án nhà ở xã hội tại 12 tỉnh, thành trong cả nước và 8 dự án tại Hà Nội, KTS Vũ Trần Lâm, Chủ tịch Công ty Cổ phần Kiến trúc Lập phương cũng chia sẻ, cách hiểu và nhận thức về loại hình nhà này từ trước đến nay thường vẫn bị “đóng đinh” là nhà ở giá rẻ, chất lượng thấp. Giá căn hộ rẻ là do chất lượng xây dựng thấp, áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế xây dựng ở mức thấp, cắt giảm các trang thiết bị, tiện nghi sử dụng để giảm giá thành.
Cần các cơ chế, chính sách đồng bộ
KTS Manuel Der Hagopian, Tổng giám đốc Group8asia, đơn vị thiết kế dự án nhà ở xã hội Punggol Water Terraces - Singapore đã giành được nhiều giải thưởng quan trọng tại khu vực và thế giới nêu, quy hoạch, thiết kế nhà ở giá rẻ không chỉ là vấn đề của Hà Nội mà rất nhiều nước trên thế giới quan tâm. Thách thức và cơ hội đối với nhà ở xã hội là vấn đề quỹ đất xây dựng và nhà đầu tư.
“Mỗi đất nước có một mô hình khác nhau về phát triển nhà ở xã hội mà không có một mô hình tối ưu nào Việt Nam có thể học tập hoàn toàn, mà có thể chắt lọc để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn”, KTS Manuel Der Hagopian nêu.
Nhìn nhận nhà ở xã hội là một phân khúc nhà ở quan trọng trong quá trình phát triển đô thị và an sinh xã hội, KTS Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc Lập phương cho rằng, giá nhà ở xã hội thấp không đồng nghĩa với nhà ở chất lượng thấp. Hiện tại, việc thiết kế và xây dựng căn hộ nhà ở xã hội vẫn đang phải tuân thủ theo các quy định pháp luật xây dựng để đảm bảo chất lượng và an toàn sử dụng như đối với căn hộ thương mại.
Để kéo gần khoảng cách giữa hai loại hình nhà ở, nhà ở xã hội trong thiết kế cần bảo đảm tính độc lập tương đối, tạo ra tính giao lưu cộng đồng và tạo nên một không gian thân thuộc, là một hình ảnh bình yên của nơi chốn đi về.
“Cần hết sức tránh việc “mặc đồng phục” cho nhà ở xã hội chỉ là những cục bê tông cắm trên mặt đất, thiếu giải pháp về cảnh quan, cây xanh, hoàn thiện mặt đứng công trình để sáng tạo hình ảnh kiến trúc cho nhà ở xã hội”, TS Nguyễn Trung Dũng nêu.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến Trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh, làm thế nào để giới kiến trúc sư có thể thiết kế nhà ở xã hội không chênh lệch so với nhà ở thương mại là vấn đề rất khó. Người làm quy hoạch cũng không thể một mình giải quyết được mà cần các cơ chế, chính sách đồng bộ. Ngoài ra, các tổ chức hoạt động nghề nghiệp cũng cần đưa ra các kiến nghị, giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước về nội dung này.
Đồng tình với quan điểm cần phải có cơ chế, chính sách đồng bộ, dưới góc nhìn của đơn vị tư vấn thiết kế, KTS Vũ Trần Lâm nêu, để một dự án nhà ở xã hội bảo đảm chất lượng, được người sử dụng chấp nhận cần dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa ba “nhà”: Nhà nước - nhà đầu tư - nhà tư vấn. Trong đó, đơn vị tư vấn đóng vai trò trung gian, hỗ trợ, tìm giải pháp phù hợp nhất giúp nhà đầu tư thực hiện phát triển dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ tốt nhất, chi phí phù hợp với giá bán đặt ra mà vẫn đảm bảo được các chính sách phát triển nhà ở xã hội của nhà nước.
Cũng tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Bá Nguyên nêu các kiến nghị đối với thành phố như cần rà soát, xác định, bổ sung các quỹ đất dự trữ phát triển nhà ở quy mô lớn để tạo lập các khu đô thị nhà ở xã hội tập trung trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Ở cấp quản lý chuyên ngành cao hơn, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch để tính toán nhu cầu, quy hoạch nhà ở xã hội; bổ sung các quy định, yêu cầu về nhà ở xã hội trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị cũng như nghiên cứu mô hình cư trú về khoảng cách, mối liên kết giao thông, phương tiện công cộng giữa khu ở và khu sản xuất.