Tạo lực phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Chiều 1-12, hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chủ đề: Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra tại Hà Nội.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh thách thức có không ít cơ hội để phát triển toàn vùng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được nghiên cứu và đưa ra đề xuất mới, phân vùng thành các tiểu vùng chi tiết hơn để tạo ra các khu vực có liên kết chặt chẽ và có khả năng chia sẻ hạ tầng hiệu quả hơn.
Quy hoạch đã làm rõ cấu trúc phát triển tổng thể của vùng với 4 tiểu vùng, 6 hành lang kinh tế (4 hành lang chính và 2 hành lang phụ), 3 vành đai và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng.
Cảnh quan, môi trường trong lành và một hệ thống rừng quy mô lớn là đặc trưng nổi bật của vùng. Đây vừa là tiềm năng nổi bật để thu hút du lịch và kiến tạo môi trường sống chất lượng cao, vừa là nền tảng cho vai trò trọng yếu của vùng, là nơi bảo vệ đa dạng sinh học và rừng đầu nguồn.
Quy hoạch cũng đề xuất chiến lược bảo tồn, phát huy sự đa dạng văn hóa và phát triển nguồn nhân lực. Xác định nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế theo hướng bền vững hơn, tránh tối đa hóa sản lượng, quan tâm hơn đến chất lượng, hiệu quả; bảo đảm tài nguyên đất và nước không bị khai thác cường độ cao có thể gây suy thoái và ô nhiễm.
Kết cấu hạ tầng của vùng cần được từng bước hoàn thiện. Kết nối hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng cần được đầu tư để đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển người và hàng hóa, giảm sự cách biệt lớn giữa các địa phương trong vùng. Ưu tiên phát triển, hoàn thiện các tuyến cao tốc xương sống của mỗi tiểu vùng; nâng cấp kết nối Đông-Tây…