Khơi dậy khát vọng nghiên cứu khoa học xã hội
Năm 2023 là một cột mốc đánh dấu 70 năm kể từ ngày thành lập “Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học” - tổ chức tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm).
Đó là một chặng đường dài ghi đậm dấu ấn của Viện Hàn lâm trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn: Cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc.
Thành tựu lớn trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu
Là cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước về khoa học xã hội, 70 năm qua, Viện Hàn lâm có sự lớn mạnh, phát triển không ngừng cả về quy mô, cơ cấu tổ chức, lĩnh vực hoạt động, đội ngũ chuyên gia, cơ sở vật chất, các kết quả nghiên cứu, những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Từ tiền thân ban đầu, Viện Hàn lâm đã dần phát triển thành các viện nghiên cứu chuyên ngành, chuyên sâu về khoa học xã hội và nhân văn: Viện Sử học, Viện Văn học, Viện Triết học, Viện Kinh tế, Viện Xã hội học, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Tâm lý học, Viện Ngôn ngữ học, Viện Khảo cổ học, Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á...
Trong số đó, có nhiều viện nghiên cứu, nhiều lĩnh vực có vai trò, vị thế đóng góp hàng đầu đối với đất nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “Các nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc và đất nước, con người Việt Nam, các giá trị và bản sắc văn hóa của dân tộc được thừa kế và phát huy trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, khẳng định chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”.
Với 3 chức năng cơ bản: Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; tư vấn - phản biện chính sách; đào tạo nguồn nhân lực khoa học xã hội chất lượng cao, 70 năm qua, Viện Hàn lâm đã đạt được nhiều thành tựu trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu nổi bật: Văn học, sử học, văn hóa, khảo cổ, tôn giáo, dân tộc, con người, kinh tế, xã hội, nghiên cứu quốc tế, nghiên cứu vùng...
Qua 70 năm lao động sáng tạo, kết quả nghiên cứu và sản phẩm khoa học của Viện Hàn lâm đã đạt tới con số hàng nghìn công trình khoa học, hàng vạn bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước và hơn 8 nghìn sách đã xuất bản.
Trong số các công trình đó, 20 công trình, cụm công trình của các tác giả thuộc Viện Hàn lâm đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, 28 công trình, cụm công trình đã được nhận Giải thưởng Nhà nước và rất nhiều công trình khác là các nguồn tri thức căn bản, là công cụ lý luận đóng vai trò chỉ dẫn, định hướng hoạt động khoa học và hoạt động kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, theo GS.TS Hồ Sĩ Quý, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, một trong những thành tựu rất đáng kể là đã đào tạo được nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu và giảng dạy khoa học xã hội trên khắp mọi miền đất nước. Mặt bằng dân trí về khoa học xã hội ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua cũng có phần đáng kể được hình thành từ tri thức khoa học của Viện Hàn lâm. Rất nhiều nhà khoa học danh tiếng của đất nước là người của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Đổi mới để phát triển
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, ngày nay, các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đang tiếp tục góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bồi đắp cho kho tàng tri thức về khoa học xã hội và nhân văn của cả nước, góp phần hình thành các quan điểm của Đảng về nhiều vấn đề then chốt như: Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam…
Bên cạnh đó, trong bối cảnh phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế số, gia nhập vào cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, Viện Hàn lâm cũng đẩy mạnh nghiên cứu, cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hoạt động nghiên cứu khoa học thời gian gần đây còn gặp một số vướng mắc, hạn chế: Các chương trình nghiên cứu lớn, các công trình nghiên cứu có giá trị cao còn ít; việc thực hiện các đề tài, chương trình nghiên cứu còn lúng túng, gặp nhiều rào cản; đội ngũ nhà khoa học suy giảm cả về số lượng và chất lượng; một số lĩnh vực thiếu chuyên gia đầu ngành; các nhà khoa học có trình độ cao, có khả năng định hướng, dẫn dắt hoạt động nghiên cứu.
Những thách thức ấy đang đặt ra nhiều vấn đề về đổi mới ở Viện Hàn lâm nói chung ở các viện trực thuộc Viện Hàn lâm nói riêng. Đó là phải thay đổi cách tiếp cận trong làm khoa học, phương pháp luận nghiên cứu, phải hội nhập theo chuẩn quốc tế, xu hướng của thế giới và sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong hội nhập để phát triển.
Để vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được các mục tiêu phát triển, Viện Hàn lâm cần tiếp tục không ngừng nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng xây dựng đơn vị trở thành một tổ chức nghiên cứu uy tín có tầm cỡ khu vực, xứng đáng với truyền thống 70 năm vẻ vang mà các thế hệ tiền nhiệm đã dày công xây dựng.