Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Hướng đến mục tiêu “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” Tầm nhìn và khát vọng từ những giá trị trường tồn
Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến thời điểm này đã qua quá nửa chặng đường. Trong suốt gần 20 tháng triển khai, mỗi công đoạn đều ghi dấu ấn bởi cách thực hiện khoa học, khẩn trương, bảo đảm công phu và kỹ lưỡng.
Trước nhiệm vụ to lớn, phức tạp, lần đầu thực hiện này, Thành phố Hà Nội giữ quan điểm xuyên suốt: Văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô.
Những nguồn lực đặc biệt
Triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội đã quán triệt quan điểm được đặt ra tại Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị: “Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước"; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội”.
“Trên cơ sở Đề cương định hướng được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua vào tháng 4-2023, dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được tập trung xây dựng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc. Phương pháp lập quy hoạch tích hợp, đồng bộ, bảo đảm tính khoa học, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Thành phố giữ quan điểm xuyên suốt, đó là văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành phố chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội khẳng định.
Từ nhiều năm nay, với Hà Nội, văn hóa và con người luôn được xác định là những nguồn lực đặc biệt, có tiềm năng vô cùng to lớn. Để văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì văn hóa phải hiện diện trong toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển của các lĩnh vực, trong đó có quy hoạch. Ông Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, đơn vị lập Quy hoạch, cho biết: “Từ Đề cương định hướng cho đến các bản dự thảo báo cáo sau này đều xác định đặc trưng của Hà Nội vẫn là “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Trong loạt hội thảo được tổ chức gần đây về phương án phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, quan điểm từ lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn khẳng định, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô là văn hóa và con người Hà Nội. Trong đó, không gian văn hóa được chú trọng mở rộng, phát triển hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô. Cũng từ định hướng này, các đơn vị tư vấn đã có nghiên cứu bước đầu định hình cho sự phát triển các không gian văn hóa đặc sắc của Thủ đô.
Theo PGS.TS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trong xây dựng đồ án Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội cần xác định rõ triết lý phát triển, lấy con người là trung tâm và coi trọng phát triển môi trường văn hóa. Vì xa rời văn hóa thì không kết nối được với lịch sử, trong khi Hà Nội vốn dĩ là đô thị có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến.
Đặc biệt, với hệ thống di sản văn hóa đa dạng, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phải là một phần quan trọng trong quy hoạch phát triển đô thị của Hà Nội. Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Song song với đó là nguồn lực về con người - yếu tố hàng đầu để công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đạt hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch đô thị cần sự tham gia của cộng đồng địa phương, cũng như cần tôn trọng ý kiến của cộng đồng và đội ngũ làm văn hóa sáng tạo. Những đóng góp này có thể giúp việc quy hoạch phát triển đô thị phù hợp với thực tiễn hơn, đúng trọng tâm, tránh lãng phí.
Các chuyên gia quy hoạch đánh giá, Quy hoạch Thủ đô được thực hiện theo Luật Quy hoạch là một nhiệm vụ hoàn toàn mới, phức tạp, phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp, phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, khối lượng công việc khổng lồ, liên quan đến nhiều luật khác nhau. Đối với Hà Nội, đây là việc mới, việc khó khi lần đầu tiên thực hiện và được triển khai cùng lúc với 2 nhiệm vụ quan trọng khác là lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô 2012.
Trụ cột xuyên suốt cho mọi phương án quy hoạch
GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đơn vị đứng đầu trong liên danh tư vấn Quy hoạch Thủ đô, khẳng định: “Định hướng Quy hoạch cho Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được quán triệt dựa trên triết lý phát triển Thủ đô Hà Nội mà trong đó các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh Thăng Long - Hà Nội là những trụ cột xuyên suốt khi xây dựng bất kể phương án quy hoạch nào”.
Trong 5 quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội được các đơn vị tư vấn đưa ra, quan điểm lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực và mục tiêu của phát triển luôn được nhấn mạnh. Mọi sự thay đổi đều hướng đến mục tiêu đáp ứng yêu cầu của quảng đại nhân dân, được đa số đồng thuận, trên cơ sở tiêu chí người dân có điều kiện sống tốt hơn, doanh nghiệp có cơ hội đầu tư tạo thêm việc làm, hướng đến mục tiêu phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Thành phố tiếp tục xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử đặc thù trên địa bàn Thủ đô; đẩy mạnh kết nối và hòa nhịp văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài tạo nguồn lực cho phát triển; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, văn minh và tiêu biểu. Từ nhiệm vụ ấy, khâu đột phá được lựa chọn là kiến tạo không gian, cảnh quan và môi trường văn hóa, khuyến khích xã hội hóa, phát huy các giá trị của di sản, văn hóa đặc thù của Thủ đô, từ đó “biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến môi trường thành thị trường; biến giá trị thành giá cả” vì sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Theo KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, mặc dù Hà Nội xác định mô hình phát triển văn hiến - văn minh - hiện đại nhưng hiện tại thành phố đang thiếu nhiều không gian cho phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Do đó, trong quy hoạch Thủ đô rất cần tạo lập các không gian đô thị đặc sắc cho phát triển văn hóa nhằm xây dựng hiệu quả mô hình thành phố văn hiến, văn minh. Bởi thế, trong định hướng phát triển không gian đô thị của Hà Nội, thành phố đã và đang chú trọng việc xây dựng, tạo lập các không gian tổ chức hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí tại các đô thị, xây dựng không gian tái hiện các lễ hội, thực hành di sản văn hóa mang đặc trưng văn hóa Thăng Long - Hà Nội và Vùng đồng bằng sông Hồng dọc con đường di sản hai bên sông Hồng. Thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực xây dựng một số công trình văn hóa, khu liên hợp thể thao hiện đại đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện cấp quốc gia và quốc tế ở khu vực phía Bắc; đầu tư một số công trình như nhà hát Opera, trung tâm hội chợ, triển lãm quốc gia, cung văn hóa - thể thao thanh niên, trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội, quảng trường - tượng đài - đại lộ trung tâm kết nối trung tâm hành chính mới của thành phố ở khu phía Bắc sông Hồng với trung tâm Ba Đình - cầu cảnh quan sông Hồng. Các nhà máy, kho tàng, cơ sở văn hóa hoạt động không hiệu quả được chuyển đổi mặt bằng thành các bảo tàng, không gian văn hóa sáng tạo... phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Hà Nội đang trong thời điểm quan trọng mang tính lịch sử khi đồng bộ triển khai lập, điều chỉnh hai quy hoạch lớn và hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây được coi là cơ hội đáng giá “ngàn vàng” để hoạch định tầm nhìn và khát vọng Thủ đô, cho những mốc thời gian không quá xa và cả tầm nhìn dài hạn. Với quan điểm chủ đạo, được giữ vững xuyên suốt: Lựa chọn khai thác tiềm năng văn hóa và con người Hà Nội trở thành giá trị vật chất trường tồn, nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển Thủ đô thì sự phát triển ấy tất yếu sẽ nhanh chóng và bền vững, hướng đến một Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.