Thế giới

Nhật Bản yêu cầu đình chỉ tạm thời máy bay Osprey sau vụ tai nạn nghiêm trọng

Kim Phượng 30/11/2023 - 22:27

Ngày 30-11, theo Reuters, Nhật Bản cho biết nước này đã yêu cầu Mỹ đình chỉ tất cả các chuyến bay V-22 Osprey không khẩn cấp trên lãnh thổ của mình sau khi một chiếc máy bay rơi xuống biển ngày 29-11 ở miền Tây Nhật Bản.

may-bay.png
Một tàu Cảnh sát biển Nhật Bản và trực thăng tiến hành hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại địa điểm máy bay quân sự V-22 Osprey của Mỹ rơi xuống biển ngoài khơi đảo Yakushima, tỉnh Kagoshima (Nhật Bản) ngày 30-11. Ảnh: Reuters

Đây là vụ tai nạn máy bay quân sự Mỹ gây chết người đầu tiên tại Nhật Bản trong 5 năm.

Lực lượng Không quân Mỹ cho biết, hiện chưa rõ nguyên nhân vụ tai nạn trong một nhiệm vụ huấn luyện thường lệ khiến ít nhất một người thiệt mạng. Hoạt động tìm kiếm cứu nạn 7 thủy thủ còn lại vẫn đang được tiến hành.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara cho biết tại Quốc hội ngày hôm nay: "Việc xảy ra tai nạn như vậy gây ra sự lo lắng lớn cho người dân trong khu vực và chúng tôi đang yêu cầu phía Mỹ thực hiện các chuyến bay của Osprey tại Nhật Bản sau này khi được xác nhận là an toàn".

Một quan chức khác của Bộ Quốc phòng cho biết, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), đơn vị cũng vận hành Osprey, sẽ đình chỉ các chuyến bay của máy bay vận tải cho đến khi tình tiết vụ việc được làm rõ.

Người phát ngôn của lực lượng quân sự Mỹ tại Nhật Bản đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận, ông Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X.

Được phát triển bởi Boeing và Bell Helicopter, máy bay V-22 Osprey, có thể hạ cánh và cất cánh như trực thăng được vận hành bởi Không quân, Thủy quân lục chiến, Hải quân Mỹ và SDF.

Vào tháng 8, một chiếc Osprey của Mỹ đã bị rơi ngoài khơi bờ biển phía Bắc Australia khi đang vận chuyển quân đội trong một cuộc tập trận quân sự thường kỳ, khiến 3 lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng.

Một vụ tai nạn khác xảy ra ở vùng biển ngoài khơi đảo Okinawa vào tháng 12-2016, khiến quân đội Mỹ tạm thời cấm máy bay này.

Theo Bộ Quốc phòng, vụ tai nạn máy bay quân sự Mỹ gây thiệt hại nhân mạng gần đây nhất ở Nhật Bản là vào năm 2018, khi một vụ va chạm trên không trong một cuộc tập trận khiến 6 người tử vong.