Cần thêm kênh thông tin để người lao động trực tiếp đóng góp xây dựng chính sách
Trong khuôn khổ hoạt động Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, chiều 30-11, tại Tòa nhà Văn phòng Quốc hội, diễn ra Diễn đàn về nội dung “Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn đảm bảo quyền lợi của người lao động”.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì diễn đàn.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận 3 vấn đề cơ bản, đó là: Tầm quan trọng của việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và vai trò của Công đoàn trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật bảo đảm quyền lợi của người lao động (NLĐ). Công đoàn phải tập trung vào hoạt động cụ thể nào, vận dụng kinh nghiệm, kỹ năng gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia xây dựng chính sách, pháp luật bảo đảm quyền lợi NLĐ? Những vấn đề lớn nào của NLĐ cần đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật thời gian tới?
Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nhằm huy động đoàn viên công đoàn, NLĐ tham gia xây dựng chính sách pháp luật, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sức lan tỏa, hấp dẫn đối với NLĐ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để các chủ trương, chỉ đạo và những thông tin cần thiết của tổ chức Công đoàn đến được với số đông NLĐ trong công tác xây dựng chính sách pháp luật, góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ Công đoàn và đoàn viên cần được tập trung xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật trong bối cảnh mới, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cũng đưa ra một số kỹ năng cơ bản của Công đoàn, đoàn viên tham gia xây dựng chính sách pháp luật. Đó là xem xét dự thảo luật có tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật(?); xem xét đầy đủ, khách quan trong việc đánh giá tác động của các chính sách trong dự án, dự thảo do các cơ quan đề xuất. Tránh tình trạng đánh giá tác động chính sách một cách xuôi chiều, hình thức để hợp lý hóa đề xuất chính sách.
Đặc biệt, Công đoàn cần kiên trì đeo bám vấn đề đến cùng, quan trọng là phải có ý kiến trao đổi lại khi cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình.
“Cần phải làm rõ tại sao tiếp thu, tại sao không tiếp thu để đeo bám đến cùng nhằm bảo vệ được quyền, lợi ích của người lao động và đoàn viên công đoàn”, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi nêu.
Thạc sĩ Đỗ Thị Bích Thủy, chuyên gia về huy động cộng đồng cũng khẳng định, vai trò của NLĐ trong tham gia trực tiếp xây dựng chính sách pháp luật rất quan trọng. Tổ chức Công đoàn chỉ có thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách pháp luật nếu gắn kết chặt chẽ với NLĐ, kết nối với các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia.
“Cần có cơ chế thường xuyên thu thập, tổng hợp những phản ánh, kiến nghị của NLĐ và doanh nghiệp, trên cơ sở đó, tiến hành rà soát các quy định pháp luật có liên quan, và đưa ra các kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoặc trình các dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của NLĐ”, Thạc sĩ Đỗ Thị Bích Thủy nói.