Hà Nội hiến kế để đến năm 2028, tổ chức Công đoàn Việt Nam có 15 triệu đoàn viên
Chiều 30-11, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn chuyên đề: “Đổi mới công tác vận động, tập hợp người lao động vào tổ chức Công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở”.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì diễn đàn.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trước những cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới, ngày 12-6-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TƯ về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, trong đó đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận, đề xuất sáng kiến kinh nghiệm, những giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, nhất là ở những doanh nghiệp có đông công nhân lao động chưa có Công đoàn, phấn đấu đến năm 2028, hệ thống Công đoàn cả nước có 15 triệu đoàn viên; đồng thời xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở có đủ năng lực, phẩm chất, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu xây dựng phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới.
Trong số các đề xuất, Hà Nội có những giải pháp khá nổi bật. Cụ thể, theo đồng chí Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, có 5 giải pháp để phát triển đoàn viên Công đoàn.
Thứ nhất, tổ chức Công đoàn cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò, cũng như việc phải thích ứng nhanh chóng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không sẽ không bắt kịp sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của công nghệ thông tin. Hiểu đủ, hiểu đúng về Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là cơ sở để thúc đẩy những thay đổi về hành động góp phần nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn.
Thứ hai, đổi mới phương thức kết nạp, phát triển đi đôi quản lý đoàn viên, tập trung thành lập Công đoàn cơ sở, chú trọng đổi mới phương thức kết nạp đoàn viên theo hướng chủ động, thân thiện với đoàn viên, đơn giản về thủ tục, ấn tượng về sự quan tâm và chăm lo của tổ chức Công đoàn ngay từ đầu.
Đổi mới sinh hoạt Công đoàn bảo đảm hấp dẫn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất, công tác của đoàn viên, sử dụng có hiệu quả các ứng dụng của internet trong sinh hoạt Công đoàn. Đơn giản hóa các thủ tục để người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn, thành lập Công đoàn cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động khi có nguyện vọng gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Thứ ba, đổi mới mô hình tổ chức để thích ứng với các phương thức tập hợp mới, tập trung làm tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động để thu hút, tập hợp đoàn viên; tập trung nguồn lực vào các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi này, mang lại ngày càng nhiều hơn các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi nơi, mọi lúc, đảm bảo chu đáo, kịp thời, hiệu quả, tạo niềm tin để người lao động tham gia và gắn bó với tổ chức Công đoàn.
Thứ tư, nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách, quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn, giảng viên kiêm chức làm nòng cốt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng là vấn đề hết sức quan trọng, có vai trò nâng cao năng lực và trình độ cho cán bộ Công đoàn; xây dựng quy định về chế độ riêng của Công đoàn để phục vụ công tác đào tạo.
Cuối cùng, tổ chức Công đoàn mong muốn Chính phủ quan tâm công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, để thích ứng kịp thời của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua và làm tốt công tác khen thưởng, tạo động lực và môi trường để người lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ, sẵn sàng chuyển đổi nghề nghiệp.
Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức triển khai hiệu quả các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”; phong trào “Tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề”, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho người lao động... để người lao động có đủ trình độ tay nghề vượt qua thách thức đạt cơ hội, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.