Xe++

Tính tin cậy vẫn là điểm yếu của ô tô điện

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 30/11/2023 13:51

Sau hơn một thập kỷ thương mại hóa mạnh mẽ, các dòng xe điện thế hệ mới dù ưu việt về công nghệ và tính năng, vẫn chưa thể đạt được độ tin cậy trong sử dụng thực tế như các "đàn anh" thuần túy chỉ có động cơ đốt trong.

img_jms122.jpeg
Năm 2023 có thể sẽ là giai đoạn triệu hồi sửa lỗi nhiều kỷ lục đối với xe Tesla.

Kết quả khảo sát mới của Consumer Reports (Mỹ) đã dội gáo nước lạnh vào độ tin cậy của các loại xe điện chạy pin (BEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV), khi ghi nhận BEV gặp vấn đề bảo trì nhiều hơn 79% so với xe chạy bằng xăng hoặc diesel, trong khi xe PHEV gặp nhiều rắc rối hơn 146%.

Cuộc khảo sát thu thập dữ liệu từ 330.000 ô tô ra đời từ năm 2000 đến 2023, trong đó thậm chí có cả một số mẫu thế hệ mới 2024.

Khảo sát tập trung vào 20 nhóm lỗi, đề cập từ những phiền toái nhỏ như phanh kêu, nội thất hư hại, cho tới các vấn đề lớn hơn như hộp số, động cơ, pin xe điện…

Số lượng nhóm lỗi phụ thuộc vào từng loại xe, trong đó xe động cơ đốt trong được đánh giá dựa trên 17 nhóm lỗi. Tương tự, khung đánh giá xe BEV có 12 nhóm lỗi, xe hybrid truyền thống (HEV) có 19 nhóm lỗi, xe PHEV có 20 nhóm lỗi.

Những phản ánh này sau đó kết hợp dữ liệu với thử nghiệm theo dõi riêng của CR, kết quả khảo sát sự hài lòng của chủ sở hữu, và các thông tin an toàn. Đánh giá cuối cùng được thể hiện trên thang điểm 100.

Kết quả là, các xe hybrid đạt điểm cao nhất, nhờ việc ít vấp trục trặc hơn 26% so với xe chạy bằng xăng và diesel. Các thương hiệu đáng tin cậy nhất trong nhóm này gồm, Lexus UX, NX HEV và Toyota Camry HEV, Highlander HEV, RAV4 HEV.

img_jms1.jpg
Lexus đang dẫn đầu về tính tin cậy của các loại xe điện hóa.

Xe PHEV gặp nhiều vấn đề hơn tới 146% so với các phương tiện sử dụng nhiên liệu hoá thạch truyền thống, với điểm số thấp nhất là Chrysler Pacifica, đạt điểm 14 trên 100, rồi tới Audi Q5 PHEV. Tuy nhiên, báo cáo của CR cũng chỉ ra một số xe PHEV có độ tin cậy vượt trội so với mặt bằng chung, bao gồm cả những chiếc "nổi bật" như Toyota RAV4 Prime và Kia Sportage PHEV. Trong khi đó, các phiên bản PHEV của BMW X5, Hyundai Tucson và Ford Escape đều đạt điểm "trung bình" về độ tin cậy.

Ở nhóm BEV, các mẫu xe du lịch và SUV hoàn toàn chạy điện, dải sản phẩm mà nhiều nhà sản xuất ô tô đang đặt mục tiêu lấp đầy các đại lý từ nay tới năm 2030, có điểm trung bình chỉ ở mức trung bình, 43 hoặc 44. Trong khi đó, xe bán tải điện, “món mới” nhất trong nhóm xe thuần điện, chỉ đạt điểm trung bình 30.

Xét từng thương hiệu, báo cáo của CR chỉ ra các hãng xe Nhật Bản vẫn có ưu thế về tính tin cậy. Trong đó, Lexus đứng đầu nhờ việc hầu như mọi mẫu xe của hãng đều đạt điểm trên trung bình. Ngoại lệ duy nhất là Lexus NX vẫn đạt điểm trung bình.

Tương tự, xe Toyota hầu hết đều có kết quả tốt, đặc biệt là SUV 4Runner được mô tả là "một trong những mẫu xe đáng tin cậy nhất trong cuộc khảo sát". Điểm trừ duy nhất của nhà sản xuất Nhật Bản này là chiếc bán tải Tundra.

Một số xe điện “Made in Japan” khác có điểm số trên trung bình là Acura RDX và TLX (thuộc Honda).

Điểm số cao của các hãng xe Nhật Bản cũng khiến châu Á đang là khu vực dẫn đầu về tính tin cậy xe điện xuất xưởng (63 điểm), vượt trên châu Âu (46 điểm) và Mỹ (39 điểm).

Về phần mình, các xe Tesla có điểm đánh giá nằm ở giữa khung, tương đương sản phẩm của Chevrolet, Buick, Ram, Cadillac và Dodge.

Đáng chú ý, CR đánh giá hệ thống truyền động điện của xe Tesla có nhiều ưu điểm hơn so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Tuy nhiên, độ tin cậy tổng thể lại khiến xe Tesla tụt hạng khi người dùng thường xuyên phải gánh chịu rắc rối từ những khiếm khuyết ở thân vỏ, sơn, linh kiện trang trí và hệ thống điều hòa nhiệt độ.

Những rắc rối mà các loại xe điện đang vấp phải phản ánh khó khăn ngày càng tăng của ngành công nghiệp ô tô trong nỗ lực chạy đua phổ biến công nghệ điện hóa còn quá mới mẻ khi ngày càng có nhiều lời kêu gọi cần có những cách tiếp cận quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn thảm họa khí hậu toàn cầu.