Nhiều bài học được rút ra qua công tác diễn tập
Rõ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; phối hợp hiệu quả trong xử lý sự cố đê điều... Đó là kết quả nổi bật trong các buổi diễn tập thực hành tình huống thiên tai do Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội phối hợp với các địa phương tổ chức thời gian vừa qua.
Sau các buổi diễn tập, lực lượng chức năng và người dân địa phương đã rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai.
Rõ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo
Huyện Phúc Thọ có 3 dòng sông chảy qua là Hồng, Đáy, Tích, hình thành 5 tuyến đê từ cấp I đến cấp IV với tổng chiều dài hơn 44km; trong đó có 3 tuyến đê thường xuyên chịu tác động của lũ là hữu Hồng, Vân Cốc, tả Tích, 10 cống dưới đê... Thực hiện Đề án “Triển khai Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội”, ngày 29-9, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã phối hợp với xã Vân Nam và huyện Phúc Thọ tổ chức diễn tập thực hành xử lý một số tình huống trong công tác phòng, chống thiên tai.
Tại buổi diễn tập, Ban tổ chức đặt ra tình huống, do ảnh hưởng của cơn bão, Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc xảy ra mưa lớn nhiều ngày kết hợp việc mở 8 cửa xả đáy của hồ thủy điện Hòa Bình, mực nước trên đê Vân Cốc vượt báo động lũ cấp III. Đặc biệt, đoạn qua xã Vân Nam xuất hiện hiện tượng nứt dọc mặt đê, nguy cơ bị tràn, thẩm lậu nước đục mái đê phía trong đồng...
Trước tình huống trên, Thường trực Đảng ủy xã Vân Nam đã họp đánh giá tình hình, ra chủ trương huy động mọi lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và an toàn tuyến đê. “Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta không để người dân bị đuối nước, bị đói, bị khát, bị thương vong do điện giật và dịch bệnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...”, Bí thư Đảng ủy xã Vân Nam Đặng Việt Hùng yêu cầu.
Thực hiện chỉ đạo trên, Chủ tịch UBND xã Vân Nam Nguyễn Đình Trường lệnh triển khai các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro đã được phê duyệt; giao nhiệm vụ, địa bàn cụ thể cho các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã; yêu cầu đài truyền thanh xã tăng cường thời lượng, tần suất, nội dung thông tin liên lạc, cảnh báo thiên tai cho người dân. Chủ tịch UBND xã chỉ đạo lực lượng xung kích tăng cường tuần tra canh gác bảo vệ đê điều, rà soát các khu vực nguy hiểm, sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn...
Phối hợp xử lý sự cố đê điều
Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Vân Nam phối hợp với Hạt Quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ phân công lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê Vân Cốc. Trong quá trình tuần tra, lực lượng tuần tra đê đã phát hiện tại vị trí K7+050 đê Vân Cốc xuất hiện vết nứt dọc trên mặt đê, dài 30m, rộng trung bình 5cm, điểm sâu nhất đo được là 0,6m. Tại vị trí K7+150 nước dâng mạnh, còn khoảng 0,5m sẽ tràn qua mặt đê, gây nguy hiểm đến thân đê và chân đê phía hạ lưu. Từ vị trí K7+200 đến K7+250 đê Vân Cốc xuất hiện hiện tượng thẩm lậu mái đê, có chiều dài khoảng 20m. Tại vị trí K7+300 sạt nông mái đê về phía đồng với chiều dài 30m, rộng trung bình 5cm, điểm sâu nhất đo được là 0,6m.
Phát hiện các sự cố trên, lực lượng tuần tra đã đánh dấu vị trí, cấp báo về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Vân Nam, Hạt Quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ về diễn biến, mức độ của sự cố. Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Vân Nam cùng Hạt quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ kiểm tra, báo cáo huyện Phúc Thọ diễn biến sự cố và đề nghị cho xử lý giờ đầu.
Sau khi nhận được thông tin, báo cáo của các lực lượng tuần tra và chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phúc Thọ, xã Vân Nam lập tức chỉ đạo các lực lượng xử lý tình huống nêu trên. Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng đã hoàn thành nhiệm vụ xử lý sự cố đê điều, bảo đảm an toàn về lực lượng, phương tiện và yêu cầu kỹ thuật của cơ quan quản lý đê...
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Vân Nam Đặng Minh Ngọc cho biết, thông qua buổi diễn tập này, lực lượng xung kích của xã đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, đặc biệt là công tác phối hợp, phân công lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát ẩn họa trong thân đê, xử lý giờ đầu các sự cố, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tuyến đê...
Còn bà Đặng Thị Bình, người dân thôn 1 (xã Vân Nam) cho biết, người dân địa phương hiểu rõ hơn vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sức mạnh của toàn dân trong công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ hệ thống đê điều. “Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành tổ chức nhiều buổi diễn tập để nhiều người dân trên địa bàn thôn, xã có thêm kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, bảo vệ hệ thống đê điều...”, bà Đặng Thị Bình đề nghị.
Trong khi đó, UBND huyện Phúc Thọ cho hay sẽ thực hiện thêm các buổi diễn tập xử lý các sự cố liên quan đến đê điều để nâng cao kỹ năng cho người dân và các đơn vị liên quan. Cũng để bảo đảm an toàn đê điều, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn yêu cầu các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý đê thường xuyên kiểm tra khu vực trọng điểm, xung yếu; tổ chức tập huấn, thực hành kỹ năng phát hiện, xử lý sự cố đê điều...