Lo như được đi dự tiệc
- Ở đời có muôn vàn thứ khổ, không có cái khổ nào giống cái khổ nào. Lắm bè bạn là niềm vui, nhưng có không ít nỗi niềm, ông ạ!
Một người bạn than với tôi như vậy.
Khi được nghe tường tận, tôi mới hiểu rằng, nỗi sợ đeo đẳng đối với anh là thường xuyên phải đi dự tiệc.
Mỗi tháng, chí ít, anh phải đi dự ít nhất là dăm bữa tiệc, có tháng lên chục bữa. Anh kể, nào là đám cưới con bạn, lễ tân gia nhà bà con, lễ lên chức của bạn đồng môn… Ấy là chưa kể hết hàng loạt đại lễ, tiểu lễ khác như: Sinh nhật; đám cưới vàng, đám cưới bạc; rửa xe mới; lễ nhận bằng…
Có đám thì ngay cạnh cơ quan nhưng có đám thì tận ngoại thành... Ngày hôm sau đến cơ quan luôn trong trạng thái mệt mỏi...
Nhưng điều đáng nói nhất là đến ăn tiệc thì phải phong bì mừng. Như anh kể thì gần như toàn bộ tiền lương đều chi cho lễ lạt.
Đến dự thì phải đóng vai mặt mày hớn hở nhưng kỳ thực thì gượng cười như anh Kép Tư Bền!
Quả thật đây vẫn là câu chuyện khiến nhiều người phải suy nghĩ. Ngày xưa, các cụ biện lễ chỉ là cơi trầu, ấm chè, gói thuốc gọi là chút quà cầm tay cho phải phép. Đến đám giỗ chỉ là nải chuối, gói cốm quê, thẻ hương. Các bậc nho văn thì tặng nhau bài thơ, câu đối. Thế mới là thanh cao và văn hóa.
Nhưng bây giờ thì “quy ra thóc” hết, bỏ phong bì "mỏng" thì áy náy, bỏ "dày" thêm thì phải cân đong đo đếm lại khoản thu nhập của mình.
Anh bạn tôi thở dài và bảo: Đành phải nói dối ông ạ. Trừ trường hợp bất khả kháng, còn thì nhắn tin rằng, rất tiếc, tôi còn đi công tác thành phố xa…
Tôi chia sẻ với anh “nỗi đau này không của riêng ai” và đưa ra cách giải quyết là, nếu được mời dự tiệc, thì hoặc gọi điện chúc mừng, hoặc cứ đến dự với khả năng “phong bì” mình có, hoặc một vật phẩm văn hóa nhất như là bó hoa hoặc cuốn sách chẳng hạn.
Anh bạn lắc đầu: Không đơn giản thế đâu ông ạ!
Tôi cũng hiểu phần nào cái "không đơn giản" mà anh bạn đề cập nhưng rõ ràng, nếu anh và nhiều người cứ nghĩ như vậy thì "nỗi đau" còn kéo dài...