Hà Nội kết nối

Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh kêu gọi đầu tư 6 trung tâm logistics

Thúy Nhi - Nguyễn Lê 29/11/2023 - 21:13

Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư 6 trung tâm logistics với tổng diện tích khoảng 750ha nhằm duy trì địa phương đi đầu cả nước về dịch vụ logistics.

cang-cat-lai.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đầu tư trung tâm logistics Cát Lái để phục vụ cảng Cát Lái (thành phố Thủ Đức).

Với điều kiện thuận lợi nằm tại trung tâm châu Á - Thái Bình Dương, gần nhiều tuyến hàng hải quan trọng quốc tế, đường bờ biển dài thuận lợi phát triển hệ thống cảng nước sâu, cùng với sự hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng và các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã ký kết, Việt Nam đã và đang trở thành “điểm sáng logistics” của châu Á.

Theo bảng xếp hạng Agility 2023, Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, đứng thứ 4 Đông Nam Á, sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Việt Nam cũng đang là một trong những quốc gia dẫn đầu ASEAN về số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, được cơ quan quản lý hoạt động hàng hải Hoa Kỳ cấp phép.

Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) công bố, thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh logistics, tiếp đến là Hải Phòng, Bình Dương; Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội đồng hạng tư.

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động logistics Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức. Cụ thể, vận tải đường bộ vẫn là phương thức hoạt động vận tải chính trong điều kiện hạ tầng đường bộ đang bị quá tải, xuống cấp và các phương thức vận tải khác chưa phát triển; chỉ khoảng 20% đường bộ tại Việt Nam được xây dựng hiện đại và đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics; hơn 50% đường bộ ở tình trạng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn cho vận chuyển hàng hóa và hạ tầng dịch vụ logistics…

Hiện nay, cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp có đăng ký ngành dịch vụ logistics, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 9.600 doanh nghiệp (chiếm 36,7%). Thành phố cũng chiếm tỷ trọng tới 54% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước (khoảng 2.700 doanh nghiệp). Đây là những doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong hoạt động giao thông vận tải, hậu cầu, logistics, giúp thành phố Hồ Chí Minh duy trì vị thế là địa phương dẫn đầu trong hoạt động logistics trong khu vực và cả nước.

Tuy nhiên, tỷ trọng doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ hoạt động logistics trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn (từ 40-50%). Toàn thành phố chỉ có 1.500 kho, trong đó chỉ có 30 kho lạnh đạt chuẩn, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Quy mô doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics còn hạn chế về năng lực hoạt động.

Do đó, bài toán phát triển năng lực logistics đáp ứng đòi hỏi phát triển trong giai đoạn mới đặt ra cấp thiết tại thành phố Hồ Chí Minh.

Để giải bài toán này, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập khẩu (Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Công Luân cho biết, bên cạnh dự án trung tâm logistics khu công nghệ cao được Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố cấp phép đầu tư, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác kêu gọi đầu tư 6 dự án xây dựng trung tâm logistics với tổng diện tích khoảng 750ha, gồm: 3 trung tâm ở thành phố Thủ Đức (phường Long Bình, Linh Trung, Cát Lái), 1 trung tâm ở huyện Bình Chánh (xã Tân Kiên), 1 trung tâm ở huyện Nhà Bè (xã Hiệp Phước) và 1 trung tâm ở huyện Củ Chi (xã Bình Mỹ).

Thành phố cũng tập trung giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động logistics, như: Thiết lập bản đồ số logistics, kho dữ liệu tập trung, tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức để phục vụ cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải và đầu mối tập kết hàng hóa, áp dụng các công nghệ tiên tiến (tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật...) phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics; tối ưu hóa quá trình vận chuyển, lưu trữ và phân phối hàng hóa…

nguyen-van-dung.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng.

Phát biểu tại diễn đàn “Logistics thành phố Hồ Chí Minh - Dịch chuyển chuỗi cung ứng, triển vọng và thách thức”, diễn ra chiều 29-11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 4%, và đạt 12% vào năm 2030. Thành phố sẽ đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường thủy để đáp ứng yêu cầu phát triển logistics. Trong đó, các dự án chiến lược là phát triển hệ thống cảng, hệ thống đường vành đai, nhằm kết nối đồng bộ chuỗi dịch vụ logistics, liên kết vùng để duy trì vai trò địa phương đi đầu trong phát triển logistics của cả nước.