Giáo dục

Thi tốt nghiệp THPT chỉ 4 môn, học sinh có chểnh mảng các môn khác?

Thống Nhất 29/11/2023 20:24

Từ năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm công bố đề thi minh họa để định hướng các nhà trường trong việc tổ chức dạy học.

Chiều 29-11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Với nguyên tắc tổ chức kỳ thi giảm áp lực cho học sinh và giảm tốn kém cho người dân, bảo đảm quyền lợi của học sinh, phương án tổ chức thi 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) nhận được sự đồng thuận cao.

bo-1.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì họp báo.

Giảm áp lực và tốn kém

Thông tin cụ thể về phương án thi, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, nguyên tắc xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 là gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh và giảm tốn kém cho xã hội. Kỳ thi sẽ được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thí sinh thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Hình thức thi vẫn giữ ổn định như hiện nay, trong đó môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp được thực hiện kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trách nhiệm tổ chức kỳ thi cũng được nêu rõ, trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức kỳ thi; hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.

Mục đích tổ chức kỳ thi được giữ ổn định như hiện nay là lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh.

bo-2.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thông tin về kỳ thi.

Trả lời câu hỏi về việc trường hợp thí sinh muốn thi nhiều hơn 2 môn tự chọn để tăng cơ hội xét tuyển đại học thì có được hay không, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng khẳng định, thí sinh chỉ thi 2 môn tự chọn. Ông Hà cũng lưu ý, 2 môn tự chọn này phải nằm trong số các môn thí sinh có đăng ký học trong chương trình lớp 12.

Về phương án giải quyết cho thí sinh học lớp 12 hiện nay - lứa học sinh cuối cùng học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (nếu trượt tốt nghiệp năm 2024), ông Hà cho biết, Bộ sẽ tính toán thời điểm tổ chức thi cho các thí sinh này với nguyên tắc thí sinh học theo chương trình nào thì thi theo chương trình đó, vì vậy thí sinh yên tâm về việc được bảo đảm quyền lợi.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học khẳng định, phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 không làm ảnh hưởng đến quy chế tuyển sinh đại học hiện nay. Dù thí sinh chọn thi môn nào thì các trường đại học vẫn phải bảo đảm nguyên tắc xét tuyển công bằng giữa các phương thức.

Có chểnh mảng các môn không thi?

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, từ trưa ngày 29-11, thông tin về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 chỉ với 4 môn đã lan truyền trên mạng xã hội. Đây là phương án được học sinh, phụ huynh học sinh và cả các nhà giáo mong chờ nhất trong suốt những ngày qua.

thi-tn-2023.jpg
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hà Nội.

Bày tỏ niềm vui khi phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 đã chính thức được “chốt”, em Phạm Đức Hà, học sinh lớp 11A6, Trường Trung học phổ thông Thăng Long, chia sẻ: "Đây là phương án mà chúng em mong chờ nhất, vì có ít số môn thi nhất, trong đó chỉ có 2 môn bắt buộc, 2 môn còn lại được tự chọn trong số các môn học ở lớp 12. Chúng em cũng rất mừng vì phương án thi đã được công bố đúng kế hoạch, giúp học sinh có thời gian và yên tâm chuẩn bị tốt cho các môn mình dự định sẽ lựa chọn để đăng ký dự thi".

Để giải đáp cho câu hỏi, liệu rằng việc đưa tiếng Anh đang là môn thi bắt buộc thành là môn thi tự chọn từ năm 2025 có khiến học sinh chểnh mảng, ngay trong chiều 29-11, phóng viên Báo Hànộimới đã tìm hiểu tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội.

Em Phạm Vân Anh, học sinh lớp 11D2, Trường Trung học phổ thông Đại Mỗ chia sẻ, dù tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc nhưng em và nhiều bạn khác vẫn yêu thích và chọn tiếng Anh là môn học trong chương trình. Vì thực tế học tập cho thấy, tiếng Anh không chỉ là một môn học, mà là phương tiện để học tập, giúp học sinh có nhiều cơ hội để phát triển nghề nghiệp.

Còn theo học sinh Đào Nhật Duyên, lớp 11D0, Trường Trung học phổ thông Thăng Long, mỗi môn học đều có vai trò trong cuộc sống, vì thế việc thi hay không thi một môn học nào đó không có nghĩa là học sinh sẽ chểnh mảng các môn còn lại. Bên cạnh đó, với quy định xét tốt nghiệp bằng phương thức kết hợp cả kết quả thi và kết quả đánh giá quá trình học thì học sinh khó thể lơ là trong quá trình học.

Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thu Hải, giáo viên Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa chia sẻ, phương án thi từ năm 2025 không chỉ giảm áp lực mà còn giúp học sinh phát huy tối đa năng lực. Phương án này không ảnh hưởng nhiều tới việc dạy học ngoại ngữ, và tin rằng, sẽ có nhiều học sinh chọn ngoại ngữ là môn thi tốt nghiệp. Để đáp ứng mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều năm nay, nhà trường đặc biệt coi trọng môn tin học và ngoại ngữ và thực tế rất được học sinh hưởng ứng.