Xã hội

Hà Nội: Chỉ thu hút, trọng dụng nhân tài là chưa đủ

Đình Hiệp 29/11/2023 12:54

Không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi và chờ người tài tự đến mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ. Nếu chỉ thu hút, trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách để tìm kiếm và phát hiện nhân tài.

nguyen-manh-hung.jpg
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ) nhấn mạnh như vậy khi phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 27-11 về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đại biểu bày tỏ quan tâm với quy định về thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện được quy định tại Điều 17 Chương II của dự thảo Luật.

Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đây là nội dung đặc biệt quan trọng, nếu làm tốt sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra.

Việc Luật Thủ đô 2012 chỉ có một câu tại Khoản 2 Điều 13 nêu về chính sách trọng dụng nhân tài mà không có nội hàm nào đi kèm thì dự thảo luật lần này sửa đổi đã có Điều 17 quy định về nội dung này. Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định còn chưa rõ, chưa đầy đủ, cần phải hoàn thiện để việc triển khai được khả thi và hiệu quả hơn.

“Theo số liệu tôi tra cứu được, giai đoạn 2013-2022, Hà Nội chỉ thu hút được 55 nhân tài là thủ khoa các trường đại học, thành phố Hồ Chí Minh là một nơi cũng có rất nhiều các chính sách để thu hút nhân tài trong giai đoạn 2018-2022 nhưng chỉ thu hút được 5 nhân tài”, đại biểu dẫn chứng.

Thực tế cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi và chờ người tài tự đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ. Chính phủ nhiều quốc gia, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các cơ sở nghiên cứu, vườn ươm công nghệ đã chủ động tìm kiếm, phát hiện nhân tài từ rất sớm khi họ còn đang là học sinh, sinh viên, sẵn sàng hỗ trợ kinh phí học tập, trả lương, ký cam kết tuyển dụng từ trước khi ra trường. Vì vậy, nếu chỉ thu hút, trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách để tìm kiếm và phát hiện nhân tài.

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, người tài không có nghĩa là người thông minh nhất, có nhiều bằng cấp nhất và học vị cao nhất, mà là người phù hợp nhất với công việc, đạt được kết quả cao nhất trong việc được giao; có tầm nhìn và khả năng phát triển trong tương lai. Vì thế, đại biểu kiến nghị, cần có một chương riêng về nội dung này, nên đặt tên là “Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Chương này nên gồm các Điều 17, Điều 24 và Điều 25 hiện đã có trong dự thảo Luật, vì các nội dung của 3 điều này có liên quan chặt chẽ với nhau, gắn với bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân tài.

Đại biểu nhấn mạnh rằng, cần nghiên cứu bổ sung một số các quy định như sau:

Một là, xây dựng chính sách thông tin truyền thông về phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hai là, bổ sung cơ chế, chính sách về phát hiện sớm nhân tài, từ đó có lộ trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng vào những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm cần thiết cả trong khu vực công và các khu vực quan trọng khác.

Ba là, bổ sung cơ chế, chính sách về xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, tạo mọi điều kiện để người tài phát triển, cống hiến, thực hiện bằng được phương châm “4 không”, đó là không được, không thể, không muốn và không dám tham nhũng.

Bốn là, xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở như mua, thuê, thuê mua, điều kiện làm việc tại nhà, các chế độ hỗ trợ khác cho gia đình, vợ, con người có tài để giúp họ yên tâm cống hiến, làm việc. Ví dụ, như Trung Quốc cũng đã có một chính sách rất riêng về nhà ở cho người tài và đây là một trong những yếu tố để giúp cho nước này trong vòng 5 năm qua đã thu hút được khoảng 900 nhân tài từ khắp nơi trên thế giới về làm việc trong khu vực công.

Năm là, cân nhắc chính sách thử nghiệm cho phép chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã khẳng định được tài năng, kinh nghiệm của mình tại các nước phát triển, các cơ sở nghiên cứu uy tín cao, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới có thể được phép nắm giữ các vị trí lãnh đạo điều hành tại các tổ chức, đơn vị dự án, đề án nghiên cứu thuộc các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm đổi mới sáng tạo, đơn vị sự nghiệp công thì các nước như Malaysia hoặc Thái Lan đang làm rất tốt việc này.