Khai thác dữ liệu để phát triển đô thị thông minh
Nhiều khuyến nghị, giải pháp công nghệ về xây dựng thành phố thông minh được các nhà quản lý, chuyên gia đề cập tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á với chủ đề “Khai thác dữ liệu - Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững”.
Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức diễn ra sáng nay, 29-11.
Tham dự có lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đại diện một số bộ, ngành.
Về phía thành phố Hà Nội, các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cùng đại diện các sở ngành, địa phương tham dự.
Phát triển đô thị thông minh là thực hiện chuyển đổi số
Phát biểu khai, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hà Nội nhận thức và quyết tâm xây dựng thành phố văn minh, văn hiến, hiện đại, xứng tầm Thủ đô của một đất nước gần 100 triệu dân. Mô hình thành phố thông minh bền vững hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân. Xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp; với nền kinh tế năng động, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn; lực lượng lao động có khát vọng vươn lên, không ngừng sáng tạo và cống hiến, góp phần tạo nên xã hội thịnh vượng và người dân được sống, học tập, lao động trong môi trường an toàn, hạnh phúc.
Cho biết Hà Nội có rất nhiều lợi thế quan trọng trong xây dựng thành phố thông minh, song đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng nêu ra một số bài toán khó trong việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; giữa đô thị hóa, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân…
Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố mong muốn nhận được câu trả lời từ các chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng xây dựng và phát triển đô thị thông minh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước đang diễn ra như thế nào? Những chính sách nào cần được khuyến nghị cho quá trình xây dựng thành phố thông minh bền vững của không chỉ Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố khác để cùng nghiên cứu, tham khảo. Công nghệ số, chuyển đổi số, và đặc biệt là dữ liệu số sẽ đóng góp như thế nào vào quá trình phát triển? Mô hình thành phố thông minh nào trên thế giới mà Hà Nội có thể tham khảo?...
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng lý giải trực tiếp nhiều vấn đề trong xây dựng đô thị thông minh.
Theo Thứ trưởng, phát triển đô thị thông minh là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị, gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị,... Với các địa phương, phát triển đô thị thông minh phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững Việt Nam với mục tiêu xây dựng một hướng dẫn chung về phát triển và đánh giá mức độ trưởng thành của đô thị thông minh, tạo sự thống nhất về nhận thức chung trong việc phát triển đô thị thông minh gắn với chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Xây dựng thành phố thông minh dựa trên dữ liệu
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng, Hà Nội ưu tiên chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đối với các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.
Sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27-9-2023 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch đề ra 55 chỉ tiêu, 201 nhiệm vụ triển khai xây dựng thành phố thông minh.
Trong đó các chỉ tiêu, nhiệm vụ được phân nhóm theo các trụ cột: Chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh; kinh tế số; xã hội số. Cùng với đó, thành phố tổ chức quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như tuyên truyền để huy động sự vào cuộc của người dân.
Với tham luận “Hạ tầng số cho đô thị tương lai”, ông Nguyễn Công Thị, Giám đốc khối giải pháp chính quyền điện tử của Tập đoàn VNPT đã đề xuất nguyên tắc trọng tâm xây dựng kiến trúc đô thị thông minh. Theo đó, sử dụng công nghệ cùng với các lớp hệ sinh thái khác nhau để tạo ra kết quả mà người dân, doanh nghiệp, tổ chức thành phố và du khách quan tâm.
Cùng với đó, cần thiết lập dữ liệu thành phố, coi đó là mạch máu của thành phố thông minh và dữ liệu mở; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng (gồm phát triển cả cơ sở hạ tầng đô thị và hạ tầng số, nền tảng số (dữ liệu, công nghệ, con người, IoT,…).
Đại diện Tập đoàn FPT, ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Hệ thống thông tin FPT đã chia sẻ về việc Quy hoạch, xây dựng, vận hành thông minh, bền vững dựa trên nền tảng dữ liệu. Từ kinh nghiệm thế giới, để thực hiện thành công quá trình này cần phải bắt đầu từ quy hoạch, đến xây dựng và sau đó là vận hành, bằng các thành quả công nghệ và mô hình mới như AI, 3D GIS , BIM, PIM, CIM. Tiếp cận Smart City thế hệ mới với mô hình phối hợp và các công nghệ tham gia sẽ hỗ trợ cho các nhà hoạch định và lãnh đạo đô thị giải bài toán này.
FPT cam kết đồng hành với hành trình chuyển đổi của đô thị, thành phố và vùng ở Việt Nam cùng với xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, cho đến cả những bài toán đặc thù như chuyển đổi số di sản qua tiếp cận tổng thể, đầu tư mạnh mẽ vào 5 thành phần và năng lực cốt lõi mang tính chiến lược là: AI, dữ liệu, định danh, giao tiếp và điểm chạm.
Ngoài ra còn có các tham luận đáng chú ý của: Ông Yudhistira Nugraha, Giám đốc về thành phố thông minh thành phố Jakarta, Indonesia đã chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của thành phố Jakarta. Đại diện Tập đoàn Viettel chia sẻ về các giải pháp quản trị thực thi thông minh, hiệu quả cho chính quyền các thành phố…
Rất nhiều các nền tảng, giải pháp thông minh đã được các chuyên gia, lãnh đạo trong nước và quốc tế giới thiệu tại hội nghị như: Nền tảng điện toán đám mây (Cloud), giải pháp 5G, sản phẩm AIoT, trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế, giao thông, di chuyển thông minh đã được giới thiệu. Từ góc tiếp cận đó, dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng sẵn có cũng như đặc thù của từng đô thị tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần có một lộ trình thông minh hóa và phát triển đô thị bền vững, có sức chống chịu cao, gắn việc quản lý, quản trị với việc xây dựng hạ tầng dữ liệu để kết nối liên thông và khai thác hiệu quả.
Hội nghị được tổ chức trong 2 ngày 29 và 30-11. Ngoài phiên khai mạc diễn ra trong buổi sáng, buổi chiều có 3 nhóm hội thảo chuyên đề với các nội dung: “Chính quyền, người dân và doanh nghiệp”; “Công nghệ, dữ liệu và kết nối”; “Hợp tác và phát triển”.
Song song với các phiên hội thảo là triển lãm giới thiệu các giải pháp, dịch vụ về đô thị thông minh…