Nông nghiệp

Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa hanh khô

Hoàng Sơn 29/11/2023 - 06:39

Từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội xảy ra 35 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 46ha lâm sinh, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Do đó, bước vào mùa hanh khô năm 2023-2024, Sở NN&PTNT Hà Nội và các huyện, thị xã có rừng đã chủ động triển khai, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống cháy rừng tới người dân và chủ rừng.

phong-chong-chay-rung.jpg
Lực lượng chức năng diễn tập phòng, chống cháy rừng tại huyện Ba Vì.

Hệ lụy khôn lường từ cháy rừng

Trong số 7 huyện, thị xã có rừng của thành phố Hà Nội, Sóc Sơn là địa bàn “nóng” nhất về cháy rừng. Từ đầu năm 2023 đến nay, địa phương này để xảy ra 25 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 40ha lâm sinh, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2022. Nghiêm trọng nhất là vụ cháy rừng ngày 5 và 6-1 tại xã Minh Trí, gây thiệt hại 14,64ha rừng phòng hộ. Gần đây nhất, từ ngày 19 đến 23-10, xảy ra 4 vụ cháy rừng liên tiếp tại các xã: Minh Trí, Minh Phú, Hồng Kỳ, thiêu rụi hơn 5,2ha lâm sinh.

Tương tự, tại huyện Ba Vì đã xảy ra 4 vụ cháy rừng, Thạch Thất 3 vụ, Quốc Oai 2 vụ và Mỹ Đức 1 vụ, tăng so với những năm trước... Có nhiều nguyên nhân khiến số vụ cháy rừng trên địa bàn thành phố gia tăng trong thời gian vừa qua. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do thiên nhiên, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết khô hanh, nắng nóng bất thường gây ra. Song, thực tế là hỏa hoạn phần lớn do nguyên nhân chủ quan của con người, như: Đốt dọn thực bì, nấu ăn, hút thuốc lá trong rừng và thậm chí đốt rừng do có mâu thuẫn cá nhân. Điển hình, 3 vụ cháy rừng xảy ra liên tiếp ngày 4-6 trên địa bàn các xã: Minh Trí, Nam Sơn, Hiền Ninh thuộc huyện Sóc Sơn được xác định có yếu tố phá hoại…

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Tiến Lâm, hậu quả của các vụ cháy rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn là rất lớn. Đó là căn nguyên làm xói mòn đất, sạt lở núi, gây ra lũ rừng ngang, lũ ống, lũ quét. Ngày 4-8 vừa qua, một vụ xói lở đất xảy ra tại khu rừng xóm Ban Tiện, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) đã gây thiệt hại về kinh tế và đe dọa tính mạng các hộ dân dưới chân núi…

Triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng

Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố ở 7 huyện, thị xã: Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây. Xác định bảo vệ rừng là bảo vệ “lá phổi xanh” của Thủ đô, để hạn chế số vụ cháy rừng trong mùa hanh khô năm 2023-2024, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội trình UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp cấp bách quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; đề nghị các huyện, thị xã có rừng thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng trong tình hình mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn, thực hiện chỉ đạo của thành phố, huyện đã rà soát, lắp đặt 37 biển nội quy, cắm 500 biển cấm lửa, treo 600 banner tuyên truyền. Huyện cũng kiểm tra 300 lượt, lập 300 biên bản bảo vệ rừng đối với các tổ chức, cá nhân; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tổ chức tập huấn về quản lý, bảo vệ rừng.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, nhằm giảm đến mức thấp nhất số vụ cháy rừng trong mùa hanh khô năm 2023-2024, Chi cục đang phối hợp với các huyện, thị xã có rừng, chủ rừng, lực lượng Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sống trong rừng và khách du lịch nâng cao ý thức bảo vệ rừng; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong mùa hanh khô, sẵn sàng xử lý sự cố cháy rừng,với phương châm “phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời, có hiệu quả”.

Ngoài ra, để lập lại kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm còn tham mưu Sở NN&PTNT Hà Nội báo cáo UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố lập chuyên án điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, truy rõ đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở với nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng.

-----------

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông:
Phòng ngừa là chính

ykien-nguyen-giap-dong.jpg

Để bảo đảm an toàn cho những cánh rừng trong mùa hanh khô năm nay, huyện Ba Vì đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm và các xã có rừng phải lấy hoạt động phòng ngừa là chính. Mọi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng phải được thông báo kịp thời, thường xuyên cho chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chịu trách nhiệm về phòng cháy, chữa cháy rừng. Các đơn vị, địa phương quán triệt thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần) và “5 sẵn sàng” (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy, thông tin).

Huyện Ba Vì đã giao Hạt Kiểm lâm phối hợp các xã có rừng đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, xe lưu động về tình hình thời tiết và các biện pháp phòng cháy; đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã và các chủ rừng; niêm yết nội quy, cắm các biển báo, biển cấm lửa tại những khu vực dẫn vào rừng. Lực lượng liên ngành tăng cường kiểm tra các vùng trọng điểm về cháy rừng, hướng dẫn chủ rừng tạo đường băng cản lửa đúng quy trình kỹ thuật.

Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Lê Văn Lanh:
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng

ykien-le-van-lanh.jpg

Xã Nam Phương Tiến có diện tích rừng trồng và tự nhiên lớn nhất huyện Chương Mỹ, với hơn 500ha. Để thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng và các tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng, với hơn 100 người tham gia. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy rừng của chủ rừng trên địa bàn.

Cùng với đó, xã chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm số 8 đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, quản lý bảo vệ rừng. Vào những tháng cao điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, các tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng xã Nam Phương Tiến thường xuyên bảo đảm quân số, tổ chức thường trực ở những khu vực trọng điểm, dễ xảy ra cháy rừng...

Ông Nguyễn Văn Muôn, chủ rừng ở xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức):
Sát sao với rừng để không xảy ra cháy

ykien-nguyen-van-muon.jpg

Gia đình tôi đang nhận chăm sóc, bảo vệ 22,9ha rừng đặc dụng Hương Sơn. Sau khi được tập huấn về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng do huyện, xã và Hạt Kiểm lâm tổ chức, tôi có thêm nhiều kiến thức về phòng cháy, chữa cháy rừng, như phát băng cản lửa, thu dọn thực bì, làm sạch bề mặt rừng trước khi bước vào mùa hanh khô... Sát sao với rừng để không xảy ra cháy rừng, tôi thường xuyên theo dõi các bản tin thời tiết, lưu ý về nhiệt độ và độ ẩm không khí. Nếu độ ẩm không khí ở mức quá thấp, tôi bơm nước làm tăng độ ẩm khu vực có nguy cơ cao.

Tôi cũng thường xuyên phối hợp lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng lân cận quản lý chặt chẽ người ra vào rừng, nhắc nhở người dân tuyệt đối không đốt, xử lý thực bì trong mùa khô, hoặc thời điểm nắng nóng hơn 37 độ C và khi có cảnh báo cháy rừng cấp 4, cấp 5. Khi cần đốt thực bì, tôi phải chọn thời điểm có gió nhẹ (sáng sớm hoặc chiều tối); phải canh gác và có đủ dụng cụ để dập lửa. Chỉ khi dập tắt hoàn toàn tàn lửa, tôi mới trở về nhà.

Kim Nhuệ ghi