Chớ coi thường bệnh cúm khi giao mùa!
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, thời tiết giao mùa thu - đông, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm như hiện nay khiến số lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng.
Ngoài sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm da dị ứng, viêm phổi…, người dân cần cảnh giác với bệnh cúm. Bởi vì, bệnh cúm dễ lây lan và gây ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Lo ngại biến chứng viêm não
Từ đầu tháng 11-2023 đến nay, số lượng bệnh nhân mắc cúm điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) gia tăng hơn so với những tháng trước đó. Chỉ tính riêng 2 tuần của tháng 11-2023, khoa Nội tổng quát - Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận khoảng 40 trẻ bị cúm. Trong đó, cúm A có tỷ lệ mắc cao nhất. Lứa tuổi mắc cúm phải nhập viện điều trị nội trú đa phần là trẻ dưới 5 tuổi, hoặc các trẻ lớn hơn có bệnh nền.
Nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, bé T.H.A (3 tuổi, ở Hà Nội) nhắm nghiền mắt, gương mặt xanh xao và nhịp thở yếu ớt. Bố bé H.A cho biết, trước khi nhập viện một ngày, bé sốt cao nên gia đình phải cho con nghỉ học và theo dõi tại nhà, song tình trạng ngày càng nặng hơn. Khi thấy bé A sốt cao liên tục 39,5 độ C và xuất hiện cơn co giật kéo dài 3 phút, gia đình lập tức đưa con đến Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu. Tại đây, bé được chẩn đoán mắc cúm A.
Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa từ thu sang đông tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý về hô hấp nói chung và cúm mùa nói riêng có xu hướng gia tăng. Điều đáng nói, nếu không điều trị kịp thời, cúm có thể gây ra nhiều biến chứng nặng như tổn thương phổi, suy hô hấp phải thở máy; thậm chí là viêm não, viêm cơ tim, tổn thương các cơ quan khác...
Bác sĩ Phan Thị Thu Minh, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội thông tin thêm, cúm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, điển hình là biến chứng viêm não (chiếm từ 3% đến 6%), ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh trung ương. Khi nhiễm cúm, biến chứng viêm não xuất hiện rất nhanh, sau khoảng từ 2 đến 3 ngày sốt cao từ 39 đến 40 độ C. Nếu chăm sóc và xử lý không đúng cách, bệnh nhi sẽ nhanh chóng xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn thần kinh, biểu hiện qua các triệu chứng như co giật, hôn mê, nôn mửa…
Tương tự, khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) có 70 giường bệnh theo kế hoạch nhưng đã kê 100 giường bệnh và luôn kín chỗ. Ngoài các bệnh nhi nhiễm sốt xuất huyết, vi rút hợp bào hô hấp (RSV), khoa còn tiếp nhận điều trị nhiều ca bệnh cúm. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thùy Dương, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, triệu chứng cúm cũng có nhiều điểm tương tự như bệnh cảm như: Sốt, ho, nghẹt mũi, nôn… nhưng trầm trọng hơn nhiều và diễn biến rất nhanh. Do đó, khi trẻ mắc cúm, các bậc phụ huynh cần theo dõi sát sao diễn biến các triệu chứng bất thường.
"Chúng tôi đã tiếp nhận điều trị không ít bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng do trước đó phụ huynh đã cho sử dụng thuốc tùy tiện. Chẳng hạn, khi phát hiện các triệu chứng bất thường của trẻ như sốt cao, li bì, lơ mơ…, nhiều phụ huynh đã ra hiệu thuốc mua cho con uống mà không có chỉ dẫn của bác sĩ khiến bệnh tình nặng nề hơn", bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương cảnh báo.
Tránh tự ý điều trị bằng Tamiflu
Số ca mắc cúm gia tăng, thị trường mua bán thuốc Tamiflu cũng sôi động hơn. Tuy nhiên, bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga nhấn mạnh, Tamiflu là thuốc bán theo đơn và không phải cứ nhiễm cúm là điều trị bằng thuốc này. Mặt khác, thuốc này cũng được lựa chọn phụ thuộc vào thời điểm trẻ phát hiện bệnh. Cụ thể, nếu chỉ định thuốc vào giai đoạn sau của cúm thì không có hiệu quả, gây lãng phí, thậm chí có thể dẫn tới các tác dụng phụ không mong muốn.
Để tránh các tai biến có thể xảy ra với người bệnh, bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương cho hay, Bộ Y tế đã cấm việc tiêm, truyền dịch tại nhà. Thế nhưng, nhiều người khi ốm, sốt… lại tra cứu thông tin trên mạng, tìm kiếm nhân viên y tế đến tận nhà để tiêm, truyền dịch. Điều này rất nguy hiểm vì nếu việc tiêm, truyền dịch không bảo đảm vô khuẩn, tốc độ truyền quá nhanh… dễ dẫn đến sốc, tai biến. Nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời thì nguy cơ cao tử vong.
Để phòng, chống lây nhiễm cúm, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi…, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Với người bệnh cần chủ động đeo khẩu trang, vệ sinh tay để không lây bệnh ra cộng đồng.
Ngoài ra, trong thời điểm này, bệnh nhân cần có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể trạng. Việc tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm cũng là một trong những biện pháp dự phòng bệnh hiệu quả. Do đó, người dân cần tiêm vắc xin hai tuần đến một tháng trước thời điểm dịch cúm diễn ra, vào tháng 3, 4, 9 và 10 trong năm.