Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - trách nhiệm của mỗi giáo viên (*)

Bùi Thị Minh Lệ - Nguyễn Thị Nhung 29/11/2023 - 06:26

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước sự chống phá của các thế lực thù địch là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có tính chất sống còn. Một trong những đối tượng mà các thế lực thù địch nhằm tới để tìm cách lung lạc ý chí, làm suy giảm lý tưởng cách mạng là các em học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước.

Đứng trước nguy cơ đó, đội ngũ giáo viên, đảng viên cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm giáo dục học sinh trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

truong-trung-hoc-pho-thong-ba-vi.jpg
Đội thi Trường Trung học phổ thông Ba Vì (huyện Ba Vì) tham dự hội thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2023”. Ảnh: Đình Tùng

1. Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị xác định rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên”.

Sau nhiều thập kỷ thù địch, chống phá không đạt hiệu quả, các thế lực phản động ở trong nước và nước ngoài đang thay đổi phương thức hoạt động. Mục tiêu chính của chúng là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, “phi chính trị hóa”, vô hiệu hóa quân đội, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các thế lực này tấn công bằng thủ đoạn xuyên tạc học thuyết Mác - Lênin; đưa ra những luận điệu cổ vũ cho bạo lực, chiến tranh; phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò và thành tựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam... Ngoài ra, chúng còn bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước với nhiều thủ đoạn tinh vi, chống phá chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Phương thức chống phá của các thế lực phản động chủ yếu là sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước, tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam… Chúng sử dụng internet, trang mạng xã hội như Facebook, Blog... để chống phá; lợi dụng những hạn chế trong quản lý nhà nước để kích động biểu tình trái phép; tổ chức hội thảo đòi xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử... Bên cạnh đó, các thế lực thù địch còn lôi kéo, kích động một bộ phận người dân và cả một số cán bộ kém bản lĩnh hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vào mục đích sai trái, bất hợp pháp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Thủ đoạn khác là các thế lực thù địch tạo ra diễn đàn trên mạng xã hội để thanh, thiếu niên truy cập và định hướng bình luận tiêu cực nhằm gieo rắc sự hoài nghi, chán nản, dẫn tới mất niềm tin. Chúng phát tán ấn phẩm đồi trụy, bạo lực, cổ xúy cho lối sống thực dụng làm tha hóa nhân phẩm, khơi dậy ham muốn bản năng, chạy theo nhu cầu hưởng lạc, không chịu học tập, làm việc và cống hiến. Đây thực sự là những âm mưu “diễn biến hòa bình”, rắp tâm “tẩm độc” vào những mầm non tương lai của đất nước.

2. Trong những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn hạn chế như: Chưa hoàn toàn chủ động định hướng, cung cấp kịp thời để làm chủ thông tin, lấy thông tin tích cực, chính thống đấu tranh chống lại thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, phản động trên mạng xã hội, internet. Việc khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của thông tin điện tử, mạng xã hội còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng thông tin thiếu cân đối, chưa bảo đảm sự đồng đều về phân bố và khoảng cách hưởng thụ thông tin...

Đứng trước thực trạng này, mỗi đảng viên cần ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình. Trong đó, đội ngũ giáo viên, đảng viên có thể xem là lực lượng nòng cốt, xung kích và phải thực sự tự giác, đi đầu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.

Để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay, người giáo viên cần: Giữ vững bản lĩnh chính trị, không hoài nghi về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; nhận diện được và đấu tranh, phản bác một cách sắc bén trước các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Thầy, cô giáo cần nâng cao hiểu biết khoa học và thấu đáo về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao chuyên môn và nhận thức sâu rộng về lý luận cách mạng, chính trị, củng cố niềm tin vào lý tưởng cách mạng, đủ trình độ giúp học sinh cập nhật, nhận diện được quan điểm sai trái, thù địch chống phá Ðảng, Nhà nước. Từ đó, hướng các em tới việc đấu tranh với luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch.

Ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy, một số giáo viên còn một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là chủ nhiệm lớp. Giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi, tương tác với các em nhiều nhất. Thông qua môi trường đó, giáo viên cần hướng học sinh đến những nhận thức đúng; nhận định cái nào sai, cái nào đúng khi tiếp nhận thông tin từ các nguồn khác nhau, nhất là trên không gian mạng (nơi mà các thế lực thù địch đang hoạt động mạnh); khuyến khích các bạn trẻ mạnh dạn đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch và tự trang bị vốn kiến thức, hiểu biết để “tự miễn dịch” với thông tin xấu, độc.

Đối với công tác Đoàn thanh niên, mỗi thầy, cô giáo hãy là tấm gương nhiệt tình cống hiến, đồng thời đôn đốc, động viên, nhắc nhở các em học sinh tích cực tham gia hoạt động Đoàn để rèn luyện bản thân và tránh xa tệ nạn xã hội. Đặc biệt, các thầy, cô giáo cần tổ chức được những hoạt động dạy và học gắn liền với sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đơn cử như giáo viên Trường Trung học phổ thông Ba Vì (huyện Ba Vì) đã tổ chức các hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học, giúp học sinh thỏa sức đóng vai các nhân vật văn học để hiểu hơn về lịch sử xã hội Việt Nam qua các thời kỳ, từ đó đồng cảm với đồng bào để sống yêu thương, đoàn kết hơn. Trường Trung học phổ thông Ba Vì còn tổ chức hiệu quả giờ sinh hoạt lớp: Giới thiệu và cùng học sinh xem phim tư liệu về Bác Hồ, bộ phim “Nhìn ra biển cả” của đạo diễn Vũ Châu. Bộ phim đã giúp học sinh hiểu được khát vọng ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ khi tuổi còn trẻ. Từ đó, học sinh hiểu hơn về ý nghĩa của những khát vọng sống cao đẹp và làm theo gương Bác Hồ, cống hiến sức lực, trí tuệ cho quê hương, đất nước. Nhà trường cũng thường xuyên quan tâm, định hướng, động viên học sinh tham gia các hoạt động Đoàn để thể hiện tốt tinh thần xung kích của tuổi trẻ, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Bác Hồ từng nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm cũng như thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi thầy, cô giáo hãy không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, bồi đắp nhận thức đúng đắn về lý luận cách mạng, giúp các em học sinh nhận diện, đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, để sáng mãi một niềm tin theo Đảng.
----------
(*) Bài đoạt giải Nhất Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023 của thành phố Hà Nội.

Bùi Thị Minh Lệ - Nguyễn Thị Nhung
(Trường Trung học phổ thông Ba Vì - Ba Vì, Hà Nội)