Hà Nội kết nối

Cùng hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0

Nhóm phóng viên 28/11/2023 - 11:58

Ngày 28-11, Cơ quan Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phía Nam phối hợp với các đối tác tổ chức tọa đàm “Tín chỉ carbon - Chìa khóa chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0”.

a501.jpg
Phiên thảo luận tại tọa đàm.

Hơn 200 đại biểu tham dự tọa đàm. Các diễn giả đã trình bày 5 bài tham luận trong 2 phiên thảo luận với 2 chủ đề: "Quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vì mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam" và "Tín chỉ carbon - Giải pháp bảo vệ môi trường thông qua chuyển đổi xanh trong sản xuất và tiêu dùng".

Nói về quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, trên thế giới và Việt Nam, xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ, bắt buộc mọi nền kinh tế phải tuân thủ luật chơi chung này.

Theo đó, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong cuộc chơi chung, khi phải thực hiện “Biên giới carbon”; “Cam kết không phá rừng từ 1-1-2025” và phải sớm gỡ thẻ vàng IUU của EC. Nếu chúng ta không giải quyết được những vấn đề này, nhiều mặt hàng xuất khẩu vốn đang là thế mạnh của Việt Nam như gỗ, thủy sản, may mặc… sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi về kinh nghiệm xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ carbon, tín chỉ carbon tự nguyện và bắt buộc, ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sàn Giao dịch tín chỉ carbon ASEAN - CCTPA cho biết, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí thải nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Mỗi tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn CO2.

“Nghị định 06/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon có quy định về lộ trình phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam. Theo đó, đến năm 2025, thí điểm vận hành thị trường trao đổi tín chỉ carbon và vận hành chính thức từ năm 2028. Đến hết năm 2027, xây dựng xong quy định quản lý tín chỉ carbon; thí điểm triển khai trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Dù còn nhiều việc phải làm để vận hành và quản lý thị trường này, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng về việc Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này”, ông Nguyễn Võ Trường An nhận định.

Trung ương Đoàn cũng đã phát động nhiều phong trào để đoàn viên các cấp tham gia bảo vệ thiên nhiên, phục vụ phát triển bền vững. Điển hình trong số đó là Đề án Vì một Việt Nam xanh. Tham gia đề án, giai đoạn 2021-2022, đoàn viên trên cả nước đã trồng mới gần 35 triệu cây xanh. Riêng trong 10 tháng của năm 2023, đoàn viên đã trồng được hơn 14,2 triệu cây xanh.