Công nghệ

Kỳ vọng ở cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo

Thu Hằng 26/11/2023 11:50

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số chính sách đặc thù nhằm mang đến sự phát triển và đổi thay mạnh mẽ cho ngành khoa học công nghệ của Thủ đô, từ đó trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Sự cần thiết có chính sách đặc thù cho ngành khoa học công nghệ Thủ đô

Để phát triển đất nước trong bối cảnh mới, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN), Đảng ta quán triệt: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Có chiến lược phát triển KHCN phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

3.jpg
Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ Techfest Hanoi 2023.

Nhằm phát triển bền vững Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó có nội dung: “Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố, Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững, trong đó có vấn đề về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo Thủ đô.

Các điểm mới về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo

Giám đốc Sở KHCN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trên cơ sở kế thừa Điều 13 Luật Thủ đô 2012, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số cơ chế đặc thù để phát triển KHCN của Thủ đô (Điều 25), bổ sung quy định về phát triển các khu công nghệ cao (Điều 26).

2.jpg
Các đại biểu tham dự Triển lãm giới thiệu các dự án, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, trình diễn công nghệ và kết nối cung cầu trong khuôn khổ Techfest Hanoi 2023.

Đáng chú ý, về chế độ ưu đãi, Điều 25 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số ưu đãi khác với quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể: Tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách thành phố được áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm (điểm a khoản 2). Quy định này là mở rộng đối tượng được áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ (Điều 52). Theo Điều 52 này, việc khoán chi chỉ được áp dụng trong một số trường hợp như nhiệm vụ KHCN đã xác định được rõ tiêu chí đối với sản phẩm cuối cùng trên cơ sở thẩm định thuyết minh và dự toán kinh phí thì được áp dụng khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; nhiệm vụ KHCN không thể khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và những nhiệm vụ KHCN có tính rủi ro cao thì thực hiện việc khoán chi đối với từng phần công việc đã xác định rõ tiêu chí.

Thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học từ việc chủ trì nhiệm vụ KHCN trọng điểm của Thủ đô, vùng Thủ đô là thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân (điểm b khoản 2). Quy định này là khác với quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và hiện đang được áp dụng đối với thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (theo Nghị quyết số 72/2022/QH15 ngày 15-11-2022) và thành phố Hồ Chí Minh (theo Nghị quyết số 98/2023/QH15).

"Doanh nghiệp, tổ chức KHCN được hỗ trợ từ ngân sách của thành phố để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ KHCN trọng điểm của Thủ đô (chính sách này chưa được pháp luật hiện hành quy định)” - ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Điều 26 quy định chung về định hướng xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô; giao UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của khu công nghệ cao; đồng thời, dự thảo Luật quy định một số vấn đề mang tính nguyên tắc về vị trí, chức năng và cơ chế ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc; giao UBND thành phố Hà Nội quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hà Nội và việc phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hà Nội trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, tài nguyên môi trường, lao động. Những quy định này nhằm tạo cơ chế đủ mạnh để hình thành, phát triển và phát huy hiệu quả các khu công nghệ cao trên thực tế.

thienphuc3.jpg
Khách thăm gian hàng của Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc - doanh nghiệp KHCN tại Techfest Hà Nội 2023.

Một điểm mới trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), theo ông Nguyễn Hồng Sơn là mô hình thử nghiệm có kiểm soát (Điều 41) nhằm tạo đột phá về cơ chế để Hà Nội có thể mạnh dạn thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mới, nhiều tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực KHCN, hướng đến mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW là “Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực”.

Cơ chế thử nghiệm có những giới hạn nhất định về thời gian, không gian, phạm vi hoạt động, việc giám sát, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số vấn đề mang tính nguyên tắc về việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong các lĩnh vực: Sản xuất vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, vật liệu mới trong khu công nghệ cao... Đặc biệt là việc lập Quỹ đầu tư mạo hiểm (do UBND thành phố Hà Nội thành lập) và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thúc đẩy, ươm tạo doanh nghiệp KHCN trong một số lĩnh vực trọng điểm về KHCN của Hà Nội (khoản 3 Điều 41).

Tiến sĩ Dương Thanh Mai, Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi):

Chính sách huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực KHCN và đổi mới sáng tạo là một chính sách nhằm xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước. Tổ công tác đã đưa ra những đề xuất cụ thể về việc thu hút nguồn lực phát triển KHCN Thủ đô; việc khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động ươm tạo, đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp… Từ đó, đề xuất các cơ chế hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng kết quả cùng cơ chế thử nghiệm.

Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn:

Trong các nhóm chính sách sửa đổi Luật Thủ đô lần này, nhóm chính sách về KHCN được làm bài bản, khoa học, tâm huyết, trách nhiệm. Tại Hội nghị Đảng bộ thành phố, chính sách KHCN đạt được sự thống nhất cao. Nội dung chính sách đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Nhóm nghiên cứu do Sở KHCN chủ trì đã làm việc với các quận, huyện, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đồng thời xem xét với việc điều chỉnh quy hoạch thành phố. Theo tôi, sửa Luật Thủ đô phải sửa toàn diện và vượt hơn so với các luật khác.

Bà Thái Thị Hải Yến, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đánh giá tác động thủ tục hành chính và tổng hợp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp:

Khi chúng tôi xây dựng Luật Thủ đô giai đoạn trước, nhiều chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nguyên nhân là do quy định chung chung, mang tính chất tuyên ngôn, định hướng nhiều hơn. Có đến 22 nội dung ủy quyền cho các cơ quan có liên quan xây dựng chi tiết, cụ thể. Xu thế làm luật hiện nay không thể luật khung, cần quy định cụ thể hơn để tránh việc khi thanh tra, kiểm toán lại có ý kiến sai luật, sai nghị định, thông tư...

Tiến sĩ Trịnh Minh Tâm, Phó Chánh Thanh tra Bộ KHCN:

Với mục tiêu “Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KHCN, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á”, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tháo gỡ 3 trụ cột vướng mắc chính, đó là: Cơ chế tài chính; phát triển tổ chức KHCN; thu hút nguồn nhân lực.