Làm rõ nét, cụ thể hơn quy định đặc thù về vùng Thủ đô
Thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng 27-11, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) đóng góp nhiều ý kiến về quy định liên kết phát triển vùng Thủ đô.
Về quy định liên kết phát triển vùng Thủ đô (Chương V), đại biểu nêu, các quy định trong dự thảo Luật đã cơ bản thể chế được tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị bằng các chính sách cụ thể để vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội theo xu hướng xanh, văn minh, năng động; khu vực phát triển trọng điểm của đất nước, đồng thời cũng đã kế thừa hợp lý các quy định hiện hành về vùng Thủ đô.
Tuy nhiên, theo đại biểu, liên kết phát triển vùng là nội dung khó, chưa được pháp lý hóa rõ ràng, cụ thể, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nước ta. Trong đó, việc điều phối hoạt động đầu tư phát triển của các vùng kinh tế - xã hội nói chung và vùng Thủ đô nói riêng cần rõ về cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính, cơ chế quản lý điều hành, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương trong vùng.
Do vậy, để xây dựng các quy định về liên kết phát triển vùng Thủ đô trong Luật hiệu quả, đại biểu lưu ý, tại khoản 1 Điều 46 quy định “Vùng Thủ đô là vùng phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia” chưa đầy đủ.
Tiếp đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung làm rõ và cụ thể hơn các quy định đặc thù khác liên quan đến vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng như thẩm quyền về đầu tư các dự án có tính chất vùng; việc đầu tư sang địa bàn tỉnh khác của các địa phương; các ưu đãi đầu tư đối với các dự án của vùng; các cơ chế, quy định đặc thù về liên kết vùng trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, môi trường, giáo dục, lao động, quản lý dân cư, phân vùng sản xuất công nghiệp, logistics để tạo cơ sở cho việc liên kết vùng một cách hiệu quả và thực chất.
Ngoài ra, cần xem xét quy định chi tiết cơ chế phối hợp để phát triển hạ tầng về giao thông và bảo vệ môi trường. Trong đó, nghiên cứu phát triển các tuyến đường sắt đô thị kết nối với các đô thị, trung tâm Thủ đô và các đô thị của các tỉnh lân cận theo mô hình TOD; việc cải tạo, xử lý, làm sạch môi trường các con sông trong vùng Thủ đô; việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại của các địa phương trong vùng một cách hợp lý và hiệu quả.
Góp ý kiến vào khoản 4 Điều 23 dự thảo Luật quy định các khu vực di tích và di sản được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, các giải pháp, biện pháp, điều kiện và nguồn lực bảo đảm để thực hiện bảo tồn, trách nhiệm của chính quyền các cấp ở Thủ đô và của Trung ương cho việc bảo tồn, khôi phục các di tích, di sản chưa quy định cụ thể, chưa có những điều chỉnh so với Luật Di sản văn hóa hiện hành.
Các quy định này cần được bổ sung theo hướng rõ nét, đầy đủ, cụ thể, đặc thù, kèm lộ trình thực hiện sớm hơn, bảo đảm xử lý ngay các vấn đề cấp bách trong bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội do các vướng mắc từ quy định, cơ chế, chính sách hiện hành.
Tương tự, về phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô quy định tại Điều 24, dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở tính nguyên tắc và định hướng, chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường, lớp, bảo đảm các điều kiện, cơ sở vật chất để giáo dục toàn diện cả trí lực, thể lực, tâm lý, tinh thần cho trẻ em, nhất là ở các khu vực đô thị lõi, đô thị mới tập trung đông dân cư hiện nay.
Các quy định cũng chưa khắc phục được sự chênh lệch trong đầu tư phát triển chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành; chưa có sự gắn kết trong quy hoạch giáo dục với quy hoạch tổng thể của Thủ đô.
“Do vậy, dự thảo Luật cần nghiên cứu các biện pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện, thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp chính quyền Thủ đô trong phát triển giáo dục, đào tạo”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh phát biểu.