Hạn chế "xung đột" giữa Luật Thủ đô với các văn bản luật khác
Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 27-11, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) cho rằng, cần quy định chặt chẽ để hạn chế những xung đột giữa Luật này và văn bản luật khác.
Cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi và nhất trí các nội dung quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Tráng A Dương đánh giá, dự thảo đã bám sát 9 nhóm nội dung chính sách được Chính phủ thông qua quy định chi tiết; cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển quy định của Luật Thủ đô năm 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm và luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.
“Với 9 nhóm chính sách, có thể thấy dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang đề xuất những chính sách đặc thù vượt trội, tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Điều này đồng nghĩa với các quy định chính sách tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục khó tránh khỏi những xung đột với các văn bản luật hiện nay và trong tương lai”, đại biểu Tráng A Dương nêu quan điểm.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định Luật Thủ đô có nội dung khác với các quy định cùng vấn đề tại các luật, nghị quyết khác của Quốc hội đang có hiệu lực; quy định cơ chế mới có tính đặc thù khác so với các nguyên tắc chung về áp dụng của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể là không đương nhiên áp dụng quy định luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành nếu sau có nội dung khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề. Trong trường hợp này, theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), việc áp dụng quy định của Luật Thủ đô hay áp dụng quy định của luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau phải được xác định cụ thể ngay trong từng luật và nghị định, nghị quyết đó.
Dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội phải rà soát các quy định của Luật Thủ đô. Nếu có quy định thuận lợi hơn so với Luật Thủ đô thì phải thống nhất ý kiến với chính quyền thành phố Hà Nội trong việc xác định áp dụng quy định này theo Luật Thủ đô hoặc áp dụng theo luật, nghị quyết đó.
“Tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung bảo đảm thực thi nội dung này trong trường hợp giữa các bộ, ngành thuộc Chính phủ không thống nhất ý kiến được với chính quyền thành phố Hà Nội thì xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc một cơ quan nào đó quyết định”, đại biểu Tráng A Dương nói.