Không để tuyến metro Bến Thành - Tham Lương tiếp tục chậm tiến độ
Tuyến đường sắt đô thị số 2 (metro Bến Thành - Tham Lương) tại thành phố Hồ Chí Minh chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân. Trong đó, vướng mặt bằng đang là “điểm nghẽn” lớn nhất.
Còn nhiều vướng mắc
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về vướng mắc lớn nhất của tuyến metro số 2, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) thông tin, hiện nay, quận 3 đang vướng 70 trường hợp, quận Tân Bình có 8 trường hợp. Điều này đã ảnh hưởng đến thời gian thi công di dời công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án.
Ngoài ra, theo chủ đầu tư, việc di dời hạ tầng kỹ thuật khá phức tạp, nhiều chủ sở hữu khác nhau, nhiều đơn vị quản lý chuyên ngành nên việc thỏa thuận cần nhiều thời gian cũng làm ảnh hưởng đến quá trình phê duyệt hồ sơ, thiết kế bản vẽ.
Trong khi đó, công tác đấu thầu, tư vấn dự án (tư vấn IC) đơn phương chấm dứt hợp đồng từ tháng 3-2022 đã gián tiếp ảnh hưởng đến việc cập nhật hồ sơ mời thầu và thiết kế. Chủ đầu tư phải báo cáo các cấp thẩm quyền chấp thuận để bổ sung.
Mặt khác, quy trình bổ sung tài chính dự án (ODA) mất nhiều thời gian, cần phải trình Bộ Tài chính, các bộ, ngành thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; đàm phán theo quy trình của nhà tài trợ cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Một số vướng mắc trong quy định pháp luật cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch chung.
Về phía địa phương, UBND quận 3 cho biết, hiện quận đang có 70 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng do chính sách, đơn giá bồi thường chưa được các hộ dân đồng thuận.
Về tổng quan dự án, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (thuộc MAUR) Vũ Văn Vịnh cho hay, toàn bộ công tác bàn giao mặt bằng của dự án đạt gần 87% (508/586 trường hợp), trong đó, 4/6 quận, gồm các quận 1, 12, 10 và Tân Phú đã hoàn thành 100% công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng sạch cho dự án.
Có mặt bằng sạch năm 2024
Hiện nay, UBND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đốc thúc UBND quận 3 và Tân Bình để sớm hoàn tất công tác bồi thường, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án. Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cũng đã họp và chỉ đạo tháo gỡ đối với công tác giải phóng mặt bằng tại quận 3 và Tân Bình. Mục tiêu trong nửa đầu năm 2024, sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Chia sẻ kinh nghiệm để thi công metro thuận lợi, kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trước khi làm, chủ đầu tư cần giải phóng sạch mặt bằng để không bị chậm tiến độ, gây phát sinh chi phí, đội vốn, kéo dài thời gian, công sức. Muốn làm được điều đó cần có sự phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng với các địa phương, sở, ban, ngành liên quan của thành phố.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 27-11, tại đường Cách Mạng Tháng 8 (đoạn qua quận Tân Bình), ngành Điện lực thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai di dời hệ thống lưới điện tại các vị trí đã bàn giao mặt bằng sạch.
Phó Trưởng ban phụ trách MAUR Nguyễn Quốc Hiển cho biết, đang triển khai thi công di dời công trình điện tại các vị trí đã bàn giao mặt bằng sạch cho dự án. Đối với di dời hạng mục di dời công trình cấp nước, đã hoàn thành công tác đấu thầu, ký hợp đồng đầu tháng 11-2023; các hạng mục còn lại đang tổ chức đấu thầu.
Trên cơ sở đó, việc di dời toàn bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật hoàn thành vào quý II-2025 để sẵn sàng bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu chính của dự án khi ký hợp đồng vào cuối năm 2025.
Ông Nguyễn Quốc Hiển cũng thông tin, thời gian tới, chủ đầu tư sẽ tiếp tục duy trì giao ban định kỳ với lãnh đạo thành phố để kiểm tra tiến độ làm việc và chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc tại dự án metro số 2.
Hiện, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 4716/QĐ-UBND (tháng 10-2023). Theo đó, thời gian hoàn thành dự án đến hết năm 2030 và 2 năm sửa chữa khiếm khuyết, bảo hành. Dự kiến, toàn tuyến sẽ đưa vào vận hành khai thác năm 2032.
Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài hơn 11km, gồm 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot. Dự án có tổng mức đầu tư 47.900 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào năm 2025, hoàn thành trong năm 2030, chậm hơn 4 năm so với kế hoạch trước đó.
Trả lời phóng viên Báo Hànộimới về kinh nghiệm để làm các tuyến metro sau này, MAUR chia sẻ, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các địa phương và sở, ban, ngành liên quan của thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện dự án, cần đàm phán hợp đồng chặt chẽ. Ngoài ra, cân nhắc, đánh giá kỹ đối với các đề xuất thay đổi, điều chỉnh thiết kế đã phê duyệt vì sẽ gây ảnh hưởng, chậm trễ tiến độ chung.