Hơn nửa triệu người tử vong vì ô nhiễm không khí
Theo The Guardian, Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận hơn 500.000 người chết vì ô nhiễm không khí vào năm 2021. Tuy nhiên, khoảng một nửa số ca tử vong có thể tránh được bằng cách giảm ô nhiễm xuống mức giới hạn theo khuyến cáo.
Các nhà nghiên cứu của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho biết, nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt giới hạn tối đa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là nguyên nhân dẫn đến 253.000 ca tử vong sớm. Ô nhiễm nitơ dioxide (NO2) liên quan đến 52.000 ca, trong khi phơi nhiễm ozone (O3) trong thời gian ngắn khiến 22.000 người chết.
Ủy viên Môi trường EU Virginijus Sinkevicius nhận định, những số liệu do EEA công bố cho thấy, ô nhiễm không khí vẫn là vấn đề sức khỏe môi trường hàng đầu tại khu vực này. Các bác sĩ cũng đánh giá, ô nhiễm không khí là một trong những tác nhân gây chết người nguy hiểm nhất thế giới.
Nhưng số ca tử vong sẽ giảm nhanh chóng nếu các quốc gia thực hiện những biện pháp ứng phó cần thiết. Giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2021, số trường hợp tử vong do PM2.5 tại EU đã giảm 41%. Khối gồm 27 quốc gia thành viên đặt mục tiêu giảm 55% đến cuối thập kỷ này.
WHO, cơ quan đã siết chặt các hướng dẫn về chất lượng không khí vào năm 2021, vẫn đặt ra giới hạn tối đa đối với một số chất gây ô nhiễm dù cảnh báo mọi mức độ ô nhiễm đều không an toàn. Tháng 9-2023, Nghị viện châu Âu (EP) đã tiến hành bỏ phiếu để điều chỉnh các quy định chất lượng không khí tại EU phù hợp với tiêu chuẩn của WHO nhưng phải trì hoãn đến năm 2035 do vấp phải sự phản đối của nhiều chính trị gia trung hữu.
Giám đốc Điều hành EEA Leena Yla-Mononen cho biết, các cơ quan chức năng cấp châu Âu, quốc gia và địa phương đang hành động để giảm lượng khí thải thông qua nhiều biện pháp như thúc đẩy giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng xe đạp trong trung tâm thành phố và cập nhật các điều luật.