Chủ động tạo nguồn cán bộ, công chức cấp xã
Ngày 6-11-2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án số 34-ĐA/TU về tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã thuộc thành phố Hà Nội đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Mục tiêu quan trọng của Đề án là chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã bảo đảm số lượng, chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô.
Phát huy tốt chức trách, nhiệm vụ được giao
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của thành phố từng bước được xây dựng, cơ bản bảo đảm về số lượng và chất lượng. Đa số cán bộ, công chức cấp xã phát huy tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; có kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, trình độ cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức các phường cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chính quyền đô thị ở cơ sở.
Đáng chú ý, việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trong đó, việc ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực chữ ký giúp nâng cao hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, tiết kiệm thời gian cho người dân.
Là công chức tư pháp - hộ tịch tại bộ phận “một cửa” UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), anh Hà Huy Dũng chia sẻ: “Việc ủy quyền này giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, tạo điều kiện cho công chức tư pháp - hộ tịch chủ động hơn trong bố trí thời gian giải quyết công việc, giảm áp lực công việc và tăng đáng kể thời gian giải quyết các công việc khác cho lãnh đạo UBND phường”.
Bí thư Quận ủy Đống Đa Đinh Trường Thọ cho biết, đội ngũ cán bộ, công chức các phường của quận được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn với 100% có trình độ đại học và trên đại học. Ở các vị trí công tác được bố trí, công chức có chuyên môn phù hợp đúng chức danh đảm nhiệm, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
“Tuy nhiên, đến nay quận thiếu khoảng 15% số công chức phường theo biên chế được giao. Vì thế, khối lượng công việc ngày càng lớn, nhiều nhiệm vụ đột xuất phát sinh như quản lý trật tự đô thị, phòng cháy, chữa cháy, công việc đối với cán bộ công chức bị quá tải”, đồng chí Đinh Trường Thọ cho biết.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt
Đề án số 34-ĐA/TU của Thành ủy Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025 bố trí đủ 100% số lượng cán bộ cho các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã theo quy định, đáp ứng vị trí việc làm, khung năng lực, tiêu chuẩn chức danh. Hà Nội phấn đấu, tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp xã trẻ dưới 35 tuổi đạt tối thiểu 10%, giữ vững tỷ lệ cán bộ nữ đạt tối thiểu 15%, phấn đấu trong ban thường vụ đảng ủy xã, phường, thị trấn có cán bộ nữ.
Đề án đặt ra mục tiêu quan trọng là chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã bảo đảm số lượng và chất lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn hóa và trẻ hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã. Đặc biệt là tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong tạo nguồn, xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô.
Tại hội nghị triển khai thực hiện Đề án số 34-ĐA/TU mới đây do Thành ủy Hà Nội tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tượng, phạm vi tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã theo hướng “động” và “mở”. Trong đó, cần bổ sung nguồn từ cấp trên xuống, nguồn tại chỗ, nguồn giữa các xã, phường, thị trấn với nhau; ưu tiên tạo nguồn đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đồng thời, chủ động đánh giá, rà soát, xác định rõ đối tượng nguồn ở địa phương để quy hoạch nguồn, đưa đi đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng.
Cùng với đó, vấn đề tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức là rất quan trọng. Trong đó, các đơn vị cần hoàn chỉnh, cụ thể hóa các quy chế, quy định trong công tác cán bộ, tổ chức tuyển dụng đủ số lượng, bảo đảm chất lượng phù hợp với các vị trí chuyên môn còn thiếu. Với những địa bàn trọng điểm, có nhiều dự án quan trọng của thành phố thì cần tăng cường, biệt phái cán bộ từ quận/ huyện xuống phường/xã để triển khai cho hiệu quả.
Để triển khai hiệu quả Đề án số 34-ĐA/TU, thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị. các đơn vị phải chú trọng công tác tạo nguồn, không chỉ tại chỗ mà cả những sở, ngành của thành phố. Đồng thời, không ngừng đổi mới nội dung cũng như phương thức đào tạo cán bộ theo hướng thiết thực, hiệu quả và sát với tình hình thực tiễn hiện nay của từng địa phương.
“Trên cơ sở Đề án quan trọng này của Ban Thường vụ Thành ủy, các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp cũng như với mỗi cán bộ, công chức ở địa phương. Trong tháng 12 này, các đơn vị phải xây dựng xong kế hoạch thực hiện đề án. Việc triển khai phải công tâm, khách quan, dân chủ và đặt lợi ích tập thể lên trên hết”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Đến ngày 31-12-2022, tổng số cán bộ, công chức cấp xã của thành phố Hà Nội là 11.473 người (5.405 cán bộ và 6.068 công chức). Trong đó, số cán bộ chủ chốt cấp xã là 3.622 người; tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 17,9%; 100% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học trở lên.